NHÌN LẠI PHONG TRÀO CÔNG VẬN Ở TRÀ VINH TRONG KHÁNG CHIẾN
- Được viết ngày Thứ ba, 19 Tháng 12 2017 09:40
- Ngày đăng
- Lượt xem: 5203
Trần Điền
Công nhân, lao động nội, ngoại ô thị xã Trà Vinh theo chân quân giải phóng tiếp quản dinh tỉnh trưởng Trà Vinh 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Sau khi vô hiệu hóa được chánh quyền thân Pháp, trấn áp và trục xuất được quân Bình Xuyên chống đối ra khỏi Sài Gòn, ngày 29 tháng 4 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên đã cho triệu tập 18 đoàn thể chính trị thân tín làm hậu thuẫn, chính thức ra tuyên ngôn thành lập một tổ chức chính trị lớn thống nhất với danh xưng Ủy ban Cách mạng Quốc gia. Trong số 18 đoàn thể chính trị ủng hộ Ngô Đình Diệm có đoàn thể có tên là Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam do Trần Quốc Bửu thân Diệm làm Chủ tịch.
Theo kế hoạch của Ủy ban Cách mạng Quốc gia do Diệm cầm đầu, các tổ chức đoàn thể chính trị thân Diệm ở Sài Gòn sẽ thành lập ngành dọc ở các tỉnh để Diệm nắm dân làm hậu thuẫn chống lại Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam vào năm 1956 theo hiệp định Giơ ne vơ 1954.
Trước tình hình đó, cuối năm 1955, Tỉnh ủy Trà Vinh phân công ông Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc) Tỉnh ủy viên, đến làm việc trực tiếp và chỉ đạo Chi bộ nội ô thị xã Trà Vinh tổ chức cho các đồng chí đảng viên sau đây: Ông Võ văn Lực (Sáu Lực - nguyên Huyện ủy viên Càng Long), Ông Cao Văn Năng (Tư Năng - cán bộ huyện Châu Thành), Bà Phạm Thị Hoải (cán bộ thị xã Vĩnh Long), và một số đồng chí khác ...làm nồng cốt cùng với lực lượng cơ sở quần chúng lao công nội ô được cài cắm, đứng ra thành lập Nghiệp đoàn lao công tỉnh Trà Vinh.
Khi Tổng Liên đoàn lao công Việt Nam ở Sài chỉ đạo thành lập Nghiệp đoàn lao công tỉnh Trà Vinh, công nhân nồng cốt do Chi bộ nội ô cài cắm bắt rễ đã bầu được đồng chí Võ Văn Lực làm Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công tỉnh Trà Vinh trong hệ thống Tổng Liên đoàn lao công Việt Nam (thân Diệm) ở Sài Gòn do Trần Quốc Bửu đứng đầu. Lúc này, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Thành Đại nhiều lúc phân công đồng chí Phạm Thành Tiến, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy cải trang họp pháp vào nội ô thị xã bí mật gặp các đồng chí Võ Văn Lực, Cao Văn Năng, ông Hai Yễn, ông Tám Lối, ông Tư Vinh, bà Tư Thoi, truyền đat ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác công vận.
Ngày 20/7/1956, đáng lẽ ra đây là ngày Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt nam theo hiệp định Giơ ne vơ, thì cũng đúng ngày đó, Tổng Liên đoàn lao công Việt Nam ở Sài Gòn chỉ đạo Liên đoàn lao công các tỉnh trong toàn miền Nam tổ chức cuộc mét tinh với quy mô lớn ủng hộ Ngô Đình Diệm. Nắm bắt thời cơ này, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Nghiệp đoàn lao công tỉnh Trà Vinh do đồng chí Võ Văn Lực làm Chủ tịch, biến cuộc biểu tình có hàng chục ngàn người tham gia để ủng hộ Diệm thành cuộc biểu tỉnh chống Diệm hiếu chiến, đòi Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam theo hiệp đinh Giơ ne vơ. Tỉnh trưởng Trà Vinh, trung tá Đặng Thanh Liêm ra lệnh cho cảnh sát đàn áp lực lượng biểu tình nhưng vô hiệu.
Sau khi chính thức tuyên bố không họp tác với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam, tháng 7/1956, chính quyền Diệm tổ chức bầu Tổng thống Việt Nam cộng hòa chỉ với một ứng cử viên là Ngô Đình Diệm. Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh do đồng chí Võ Văn Lực làm Chủ tịch đã cùng với Hội phụ nữ (Phụ nữ Quốc dân xã) trong bộ máy chính quyên Diệm, tổ chức cuộc biểu tình có hơn 5.000 người lao công trong nội ô thị xã và các vùng nông thôn trong tỉnh tham gia, phản đối cuộc bầu cử độc diễn của Ngô Đình Diệm. Tỉnh trưởng Trà Vinh, thiếu tá Nguyễn Quốc Hoàng ra lệnh đàn áp biểu tình nhưng cảnh sát bất lực.
Nằm trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Eisenhower viện trợ tài chính cho chính quyền Ngô Đình Diệm, Tổng Liên đoàn lao công Việt Nam ở Sài Gòn được một nghiệp đoàn của Hoa Kỳ tài trở về tài chính nên càng ngày càng bộ lộ thái độ thân Diệm, hà khắc với người lao công ở Sài Gòn, hô hào chống cộng, gây bất lợi cho phong trào và hoạt động cách mạng. Nhờ vậy mà Trần Quốc Bửu đã trở thành người thân tín trong nội các chính quyền Sài Gòn. Trước tình thế này, Tỉnh ủy Trà Vinh điều động đồng chí Võ Văn Lực, Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh và đồng chí Phạm Thị Hòa (cán bộ Nghiệp đoàn) lên Sài Gòn tìm cách tiếp cận với Trần Quốc Bửu để khai thác thông tin và đưa đồng chí Cao Văn Năng lên thay giữ chức Chủ tịch Nghiệp đoàn Lao công Trà Vinh.
Sau khi lên nắm chức Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh, đồngchí Cao Văn Năng tiến hành tổ chức thành lập các Nghiệp đoàn trực thuộc để Chi bộ thị xã cài cắm cán bộ, đảng viên vào làm nồng cốt lãnh đạo phong trào quần chúng lao công và người lao động – Cụ thể như: Nghiệp đoàn thợ Bạc có đồng chí Nguyễn Hồng Bích (đảng viên), Nghiệp đoàn giáo chức có bà Bùi Thị Mè, thầy Truy Phong, thầy Nguyễn Văn Tố, Nghiệp đoàn chài lưới có ông Ba Lánh, Nghiệp đoàn thợ mộc có ông Nguyễn Văn Vị, Nghiệp đoàn mua bán có Chị Bông, Nghiệp đoàn tiểu thương có bà Trà Thị Lầu, Nghiệp đoàn mua gánh bán bưng có bà Chín Chẩn, bà Dương Thị Nhu, Nghiệp đoàn nông dân có ông Ba Dân ở Long Đức, Nghiệp đoàn xe lam có ông Sáu Chuột, Nghiệp đoàn khuân vác có ông Trần Văn Được, Nghiệp đoàn xe lôi có ông Ngọc, ông Cao Văn Lịnh (cán bộ Huyện ủy Trà Cú), Nghiệp đoàn mua bán vãi có bà Võ Thị Hồng Điều (đảng viên) v.v.. Thông qua các Nghiệp đoàn này đã tạo võ bọc che giấu an toàn được nhiều cán bộ nằm vùng bị lộ tông tích, cơ sở cách mạng được cài cắm đều khắp trong trong các hoạt động và đời sống của công nhân, người lao động trong thị xã.
Nhờ có thông tin hai đồng chí Võ Văn Lực và Phạm Thị Hòa khai thác từ Trần Quốc Bửu biết được chánh quyền Diệm chỉ đạo thành lập các Nghiệp đoàn, Hiệp hội khác đến các quận trên toàn miền Nam, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo cài cắm cơ sở nồng cốt của ta tại hai Nghiệp đoàn nông dân tại hai quận Trà Cú và Càng Long.
Đầu năm 1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam thực hiện mưu đồ khát máu là "tiêu trừ cộng sản nằm vùng". Ở Trà Vinh máy chém của luật 10/59 đã chém đầu một cán bộ nằm vùng của ta, đồng chí Võ Văn Phát giữa chợ Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Luật 10/59 đã làm rún động đến phong trào cách mạng tỉnh Trà Vinh nói chung và phong trào công vận trong nội ô thị xã.
Hoạt động vũ trang để đối phó với kẻ thù khát máu là một đòi hỏi bức bách của nhân dân lúc bấy giờ. Trước máy chém của kẻ thù, Tỉnh đội Trà Vinh thành lập công binh xưỡng sản xuất vũ khí thô sơ phục vụ chiến đấu đánh địch cứu đồng bào yêu nước và cán bộ nằm vùng thoát cảnh lâm nguy. Lần đầu tiên, tỉnh Trà Vinh xuất hiện lực lượng công nhân quốc phòng trong căn cứ kháng chiến, phục vụ đắc lực cho phong trào Đồng khởi 14/9/1960 giành thắng lợi, mở ra vùng giải phóng rộng lớn trong phạm vi toàn miền Nam.
Sau Đồng khởi, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời. Các tổ chức quần chúng thành viên Mặt trận được thành lập. Ngày 27/4/1961, tại khu rừng Bảy Bàu, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, Hội Lao động giải phóng miền Nam được thành lập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục do Phạm Xuân Thái làm Chủ tịch và Đặng Trần Thi làm phó Chủ tịch.
Đầu năm 1961, đồng chí Cao Văn Năng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Lao công Trà Vinh trực tiếp chỉ đạo 50 công nhân nhà máy xay lúa Thới Hòa đấu tranh đòi tăng lương, chống sa thải công nhân vô cớ. Chủ nhà máy dựa thế ngụy quyền cho cảnh sát đến đàn áp, nhưng lực lượng công nhân vẫn kiên quyết chiếm giữ kho lúa. Bên ngoài, Nghiệp đoàn lao công cùng Hội phụ nữ huy động hàng trăm quần chúng lao công khác đến bao vây quanh nhà máy, hỗ trợ công nhân đấu tranh. buộc chủ nhà máy phải chấp nhận yêu sách. Noi gương công nhân nhà máy Thới Hòa, công nhân Lò bánh mì, công nhân xe đò, công nhân xưỡng cưa ... cũng đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống. Qua các cuộc đấu tranh này, lực lượng công nhân đã phân hóa và vạch mặt bọn mật vụ núp dưới danh nghĩa Nghiệp đoàn phá hoại phong trào công nhân lao động.
Đầu năm 1963, Hội Lao động giải phóng miền Nam tổ chức hội nghị tại Bình Long thành lập Ban Công vận miền. Đồng chí Bùi San, phó Chủ tịch Hội Lao động giải phóng miền Nam được bầu làm Trưởng Ban Công vận miền. Cuối năm 1963, Ban Công vận miền tổ chức hội nghị cán bộ, đề ra mục tiêu trong thời gian ngắn sắp tới, các tỉnh phải có tổ chức Hội Lao động giải phóng nhằm tiến tới hính thành tổ chức Hội Lao động giải phóng trên phạm vi toàn miền.
Tháng 7/1964, Trung ương Cục mở hội nghị bàn về công tác Công vận. Hội nghị chủ trương tăng cường lãnh đạo phong trào công nhân, lao động và phong trào quần chúng ở các đô thị trên toàn miên Nam. Thành lập và củng cố Ban Công vận các cấp để làm tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo hoạt động của Công đoàn.
Ngày 9/9/1964, Thị ủy Trà Vinh chỉ đạo du kích mật thị xã đánh vào căn cứ đóng quân của đại đội hành chánh tiếp vận Tiểu khu Vĩnh Bình. Trần đánh do Thanh lao (như đoàn viên thanh niên ngày nay) – học sinh Đổ Điền Phong đảm nhận với hai quả lựu đạn được trang bị. Trận đánh chưa kịp diễn ra thì Đổ Điền Phong bị lộ và bị địch phát hiện bắt giam.
Ngay ngày hôm sau, Bí thư Thị xã ủy Ngô Văn Son chỉ đạo cho hai đảng viên họp pháp trong thị xã là Thanh Bình và Quốc Dũng trực tiếp chỉ đạo học sinh Trường công lập Vĩnh Bình bãi khóa. Cùng với các anh Trần Văn Lắm (Chủ tịch), Lâm Vĩnh Nhân (phó Chủ tịch) Hội sinh viên phật tử, tập họp lực lượng học sinh phật tử tại chùa Phước Hòa giương cao băng rôn, khẩu hiệu ào ạt kéo vào dinh tỉnh trưởng đấu tranh đòi thả học sinh Đổ Điền Phong. Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, trung tá Nguyễn Văn Thanh ra lệnh cảnh sát dã chiến dùng dùi cui, ba trắc, lựu đạn cay, xe phun nước đàn áp lực lượng học sinh đi biểu tình, một số em học sinh bị thương vong. Lúc này, đồng chí Cao Văn Năng, Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh đứng lên kêu gỏi:
- Hởi bà con, đồng bào, học sinh là con em của chúng ta. Hãy cứu lấy nó !
Tức thời, tiểu thương cả chợ Trà Vinh bãi thị, ùn ùn kéo đến cổng dinh tỉnh trưởng ủng hộ học sinh đấu tranh, phản đối ngụy quyền đàn áp. Nhiều nhà sư, bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc học sinh bị thương. Cơ sở cách mạng trong lực lượng lính Bảo an tỉnh, lính Sư đoàn 9 ngụy, vận động binh sĩ phản đối cảnh sát dã chiến đàn áp học sinh. Cuộc biểu tình huy động đến hàng chục ngàn người vây kín các nẻo đường quanh dinh tỉnh trưởng Vĩnh Bình, buộc tỉnh trưởng Vĩnh Bình phải chấp nhận kiến nghị, hứa sẽ xem xét lại vụ bắt giam học sinh Đổ Điền Phong.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh do Thị xã ủy chỉ đạo, Nghiệp đoàn lao công làm nồng cốt diễn ra với quy mô lớn bởi sức mạnh tổng họp của các tầng lớp nhân dân nhắm vào mục tiêu thiết thực là "Hãy cứu lấy học sinh, chúng là con em của chúng ta" buộc ngụy quyền Sài Gòn phải ra lệnh thả học sinh Đổ Điền Phong, thay đổi tỉnh trưởng, trưởng, phó trưởng Ty cảnh sát quốc gia và Hiệu trưởng Trường công lập Vĩnh Bình, nơi học sinh bãi khóa đi đấu tranh đòi thả học sinh Đổ Điền Phong.
Từ ngày được thành lập (1955), Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh của ngụy quyền do các đồng chí đảng viên của ta cài vào làm nồng cốt mà đứng đầu là các đồng chí Võ Văn Lực, Cao Văn Năng, Chủ tịch Nghiệp đoàn đã lãnh đạo hoạt động của Nghiệp đoàn theo hướng có lợi cho cách mạng.
Đến ngày 01/5/1965, Hội Lao động giải phóng miền nam được đổi tên thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam.
Được thành lập từ năm 1959 đến năm 1965, công nhân trong các công xưỡng binh khí (lúc đó gọi là công trường tỉnh, công trường huyện) của Tỉnh đội, Huyện đội đã sản xuất được một khối lượng lớn vũ khí thô sơ phục vụ cho hoạt động đánh địch, bảo vệ căn cứ kháng chiến của các đơn vị du kích và bộ đội địa phương (địa phương quân) trong tỉnh. Trong hoạt động đánh địch bằng vũ khí thô sơ do xưỡng quân khí tỉnh sản xuất, có trận du kích mật thị xã Trà Vinh đánh chìm hai giang thuyền của địch neo đậu tại vàm Trà Vinh diễn ra như sau:
Nhận lệnh đánh địch, hai chiến sĩ du kích mật thị xã, anh Lê Văn Lợi và chị Nguyễn Thị Trắc đóng vai vợ chồng ngư dân trên một chiếc ghe lưới đi trên sông Long Bình qua vàm Trà Vinh để ra sông Cổ Chiên đánh cá. Dưới lườn ghe lưới được anh Lợi, chị Trắc neo theo khối thuốc nổ TNT nặng 100 kg được gắn sẵn kíp nổ hẹn giờ. Đến vàm Trà Vinh, anh Lợi cho ghe lưới cặp giang thuyền để chị Trắc bước lên gặp lính giang thuyền trình giấy xuất bến. Trong lúc chị Trắc cố tình trò chuyện "đẫy đưa" với bọn lính để "câu giờ", anh Lợi tranh thủ thời gian này cắt dây neo cho khối thuốc nổ rơi lại dưới sông bên hai giang thuyền địch đang đậu. Trình giấy xuất bến xong, ghe lưới của hai du kích mật, anh Lợi, chị Trắc đi một đổi xa, khối thuốc 100 kg TNT phát nổ rung chuyễn nhận chìm 02 giang thuyền và bọn lính trên đó. Nhân dân thị xã Trà Vinh hã dạ.
Cũng bằng cách đánh này, hai du kích mật Lê Thị Đen và ông Năm Lâu tiếp tục sử dụng vũ khí thô sơ do các công binh xưỡng tỉnh, huyện sản xuất đánh sập cầu Tiểu Cần. Ba du kích mật Trang Thị Bé, Nguyễn Thị Xua và Nguyễn Thị Tư đánh sập cầu Cầu Ngang, cắt đứt giao thông địch, hỗ trợ phong trào nổi dây phá kềm của nhân dân các địa phương trong tỉnh.
Từ ngày được thành lập tháng 4/1961, Hội Lao động giải phóng miền Nam và sau đó là Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam chỉ đạo công tác công vận ở tỉnh Trà Vinh thông qua các cấp ủy Đảng. Tỉnh ủy, thị xã ủy lãnh đạo công tác công vận thông qua các đảng viên được cài cắm vào Nghiệp đoàn Lao công Trà Vinh và các Nghiệp đoàn ngành nghề trực thuộc mà đầu mối là các đồng chí Võ văn Lực, Cao Văn Năng, Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh. Tỉnh chưa có bộ máy Công đoàn và Công vận.
Tháng 10/1970, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ban công vận thị xã Trà Vinh do đồng chí Trần Văn Tư (Tư Tranh), Bí thư Thị xã ủy làm trưởng Ban. Tỉnh rút đồng chí Lâm Minh Quang, Bí thư Xã ủy Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành lên làm phó trưởng Ban Công vận thị xã. Ban công vận thị xã đảm trách luôn chức năng Ban công vận tỉnh vì hơn 90 % người lao động ở Trà Vinh lúc này ở vùng nông thôn, lao động nông nghiệp.
Vừa được thành lập, Ban công vận thị xã tập trung xây dựng cơ sở trong giới lao động, ngành nghề, nắm các Nghiệp đoàn khưân vác, Nghiệp đoàn vận tài xe lam, xe lôi, xe đò, công nhân nhà đèn, các cơ sở bánh kẹo. Đến nam 1972, Thị ủy bổ sung thêm đồng chí Bùi Thị Hồng Cúc (Tư Yến), cán bộ Ban Tuyên Huấn tỉnh từ trong căn cứ kháng chiến hóa trang họp pháp ra làm ủy viên Ban và bổ sung thêm cho Ban một đồng chí đảng viên họp pháp là đồng chí Ba Hợi đang làm công nhân trong Nhà máy xay lúa Đông Thăng.
Gần 20 năm đảm nhận chức vụ Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh trong hệ thống chính trị của ngụy quyền Sài Gòn, hoạt động Nghiệp đoàn theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Thị xã ủy, đảng viên Cao văn Năng cùng các đồng chí và đồng sự đã lái hoạt động của Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh theo hướng có lợi cho cách mạng và luôn đứng về phía người lao động. Nhiều cuộc biểu tình hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn đồng bào, sư sải nông thôn các huyện trong tỉnh kéo về tỉnh lỵ bị cảnh sát bao vây phong tỏa, đàn áp hoặc nhốt vào sân vận động. Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh đướng ra vận động người lao động, bà con tiểu thương đình công, bãi thị đi tiếp tế lương thực, bánh, trái, nước uống, hỗ trợ y tế cho lực lượng biểu tình trong nhiều ngày liền. Có những cuộc đấu tranh, của công nhân và người lao động thị xã Trà Vinh đã biểu lộ sự chống đối ra mặt đối với chính quyên Sài Gòn, làm cho các trào tỉnh trưởng ngụy quyên Sài Gòn ở Trà Vinh vô cùng tức giận, nhưng không có cách nào thay đổi được Chủ tịch Nghiệp đoàn lao công Trà Vinh.
Sau khi dùng thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ đến hăm dọa bất thành, cuối năn 1973, tỉnh trưởng Trà Vinh, trung tá Cao Tấn Hạp lệnh cho trưởng Ty Nội An sử dụng mật thám ám sát đồng chí Cao Văn Năng, Chủ tịch nghiệp đoàn lao công Trà Vinh rồi vu khống cho cách mạng.
Không mắc mưu thủ đoạn đê hèn của kẻ thù, công nhân và người lao động thị xã Trà Vinh biến cuộc đưa tang người Chủ tịch khã kính của mình thành cuộc mét tinh lớn, vạch mặt kẻ địch "ném đá giấu tay", siết chặc đội ngũ trong những ngày đấu tranh cam go sắp tới.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ngày 30/4/1975 nổ ra, Ban công vận thị xã có hơn 100 cơ sở bố trí ở 04 hướng tiến công của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ dẫn đường. 11 Nghiệp đoàn lao công trong thị xã đều có đảng viên, cơ sở của ta làm nồng cốt, bảo vệ các cơ sở kinh tế, dân sinh trọng yếu không cho địch phá hoại. Đồng chí Lâm Minh Quang, phó Ban Công vận thị xã được giao nhiệm cùng cơ sở bên trong nội ô tiếp quản nhà đèn, Sở Vệ sinh, Gara sửa xe phường 4, Văn phòng Nghiệp đoàn lao công...Các đồng chí Bùi Thị Hồng Cúc (Tư Yến), Nguyễn Thị Não (Năm Nguyện), Nguyễn Ngọc Nga (Ba Rượu), Lê Thị Huê (Tư Chuẩn), được giao nhiệm vụ lãnh đạo cơ sở nội ô chuẩn bị lương thực, dụng cụ y tế, cứu thương đảm bảo cho các lực lượng bám trụ chiến đấu trong một tuần lễ.
Cơ sở nội ô được giao nhiệm vụ may khoảng 100 lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nữa đỏ, nữa xanh, giữa có ngôi sao vàng. Nhưng khi lực lượng vũ trang tiến chiếm dinh tỉnh trưởng Trà Vinh trưa ngày 30/4/1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được người dân nội ô thị xã Trà Vinh treo tung bay rợp trời. Hơn 30.000 người dân khắp nơi trong tỉnh kéo vào thị xã Trà Vinh chào mừng quân giải phóng.
Người lớp lớp lao ra tràn đường phố
Được hã lòng bao năm tháng đợi mong
Dòng nước mắt chan cái hôn, rất vội
Cả Trà Vinh rợp nắng sắc cờ hồng
Các cơ sở kinh tế, văn hóa, dân sinh trong thị xã Trà Vinh được công nhân và người lao động thị xã gìn giữ vẹn nguyên trong ngày 30/4/1975.
(*) Biên khảo theo:
Địa phương chí Vĩnh Bình – Tòa hành chánh Vĩnh Binh ấn hành 1973
Lịch sử phong trào công nhân lao động và hoạt động Công đoàn tỉnh Trà Vinh 1929 – 2005 – NXB Chính trị quốc gia 2008
Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh anh hùng 1930 – 1975 – BTG Thị ủy Trà Vinh ấn hành 2001
Một góc chiến trường ngày ấy tôi qua – NXB Văn hóa văn nghệ Tp HCM 2015
Người con đất Giồng Thị - NXB Chính trị quốc gia sự thật 2017
Và tài liểu sưu tầm của người viết
Mới nhất
- Cục Thi hành ánh dân sự tỉnh Trà Vinh hội nghị cán bộ công chức năm 2018 - 22/01/2018 07:41
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ TRÀ VINH HỘI NGHỊ CÁN BỘ, VIÊN CHỨC NĂM 2018 - 16/01/2018 10:41
- Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức năm 2018 - 04/01/2018 01:58
- Sở Tài chính Trà Vinh tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức năm 2018 - 04/01/2018 01:56
- Công đoàn Viên chức tỉnh Trà Vinh họp mặt đoàn viên công đoàn làm nhiệm vụ lái xe ô tô - 19/12/2017 15:25
Cũ hơn
- Công đoàn Viên chức tỉnh Trà Vinh tổ chức lấy ý kiến đóng góp nhân sự và văn kiện Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018 - 2023 - 15/12/2017 14:35
- Các trường Khối thi đua 9: Giao lưu nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11/2017 06:26
- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 05-CT/TW Ở TRÀ VINH - 16/11/2017 09:22
- LÃNH ĐẠO CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH TRÀ VINH - 03/11/2017 08:02
- HỌP MẶT KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH TRÀ VINH - 01/11/2017 02:22