• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cải tiến phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các đoàn thể, hội quần chúng

Nguyễn Thị Lệ Hà
TVTU-Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

ofHa

 Khen thưởng công tác dân vận năm 2016

Thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng ngày 03/5/2016 có nội dung chỉ đạo xây dựng phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội và hội quần chúng, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định: Trên cơ sở triển khai thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU, ngày 20/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) "Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng các cấp phải có sự chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng cách triển khai ứng dựng công nghệ thông tin vào nhiều lĩnh vực, trong đó cải tiến phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên là khâu đột phá, quyết định, tạo tiền đề thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động các đoàn thể, hội quần chúng.

Vì sao Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định đây là khâu đột phá, quyết định? Thời gian qua, mỗi tổ chức đoàn thể và hội đều có quan tâm thực hiện đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên với cách làm phổ biến là: (1) thông qua các phong trào thi đua yêu nước và hành động cách mạng tiến hành vận động, tập hợp Nhân dân tham gia vào tổ chức đoàn thể và hội; (2) xác định nhu cầu về quyền, lợi ích chính đáng là vấn đề trọng tâm để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên và hội viên, qua đó giúp đoàn viên, hội viên có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nâng cao đời sống, rèn luyện ý thức chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống; (3) chọn tổ chức đoàn thể làm hạt nhân xây dựng tổ chức kinh tế và dựa vào tổ chức kinh tế để góp phần duy trì tổ chức bộ máy, tạo sự gắn bó mật thiết giữa đoàn viên, hội viên với tổ chức đoàn thể; (4) lấy tổ chức đoàn thể làm địa điểm sinh hoạt, chỗ dựa tinh thần cho đoàn viên, hội viên,...

Tuy nhiên, phương pháp quản lý thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đa số các tổ chức đoàn thể và hội quản lý danh sách đoàn viên, hội viên chủ yếu theo phương pháp thủ công, tùy tiện, sơ sài, có nơi nắm danh sách chưa chính xác hoặc không cần nắm, hàng năm không rà soát, loại bỏ, số lượng năm sau lại cao hơn năm trước theo chỉ tiêu phân bổ, lực lượng đông nhưng chất lượng không mạnh (có nơi yếu), danh sách ảo, không thực tế. Quá trình triển khai nhập liệu danh sách đoàn viên, hội viên vào phần mềm quản lý tin học cho thấy nhiều tổ chức đoàn thể và hội không quản lý được danh sách đoàn viên, hội viên, con số và tỷ lệ kết nạp, phát triển đoàn viên, hội viên hàng năm cứ cộng dồn nên thường ở mức 85% trở lên, nhưng khi cần huy động lực lượng tổng thể của 08 tổ chức đoàn thể và hội thì không thể có số lượng và tỷ lệ thực tương ứng!

Thực trạng chung lâu nay trong quản lý đoàn viên, hội viên của các đoàn thể và hội là việc sinh hoạt lệ của chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội chưa được quan tâm nhiều, đoàn viên, hội viên ít dự họp hoặc bỏ họp. Một số nơi đoàn thể cấp trên ít đi cơ sở và chưa đối thoại, trao đổi, tiếp thu, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Một số nơi chất lượng hoạt động còn yếu.

Trong các nguyên nhân hạn chế, yếu kém, nguyên nhân bao quát nhất là: Từng tổ chức đoàn thể và hội theo hệ thống từ trên xuống ít coi trọng công tác quản lý đoàn viên, hội viên sát sao, cụ thể, hiệu quả, khoán trắng cho cơ sở tự quản, hàng năm tuy có kiểm tra công tác quản lý đoàn viên, hội viên, có phát hiện thực trạng yếu kém nhưng chưa tập trung uốn nắn, nhắc nhở khắc phục hạn chế, thiếu sót của cơ sở, chưa đề ra giải pháp đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên cụ thể.

Để cải tiến phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên, các tổ chức đoàn thể và hội cần quan tâm một số việc sau:

Thứ nhất, mỗi tổ chức đoàn thể và hội phát huy vài trò cơ quan tham mưu và nòng cốt về công tác dân vận trong nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Tiếp thu quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng tiến hành khảo sát, rà soát danh sách đoàn viên, hội viên từng ngành và loại bỏ một số trường hợp danh sách ảo, không thực tế, không đúng quy định điều lệ tổ chức đoàn thể và hội, từng bước củng cố, nâng chất lượng đoàn viên, hội viên (mặc dù lúc đó thực hiện theo phương pháp thủ công). Mỗi ngành theo hệ thống từ trên xuống, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận, tập trung hướng về cơ sở theo Công văn số 243-CV/TU, ngày 17/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về việc phân công cán bộ đi cơ sở dự sinh hoạt định kỳ với chi, tổ hội đoàn thể và ban công tác Mặt trận ấp, khóm", kịp thời chỉ đạo các đoàn thể chính trị-xã hội đi cơ sở nắm tình hình, đối thoại với đoàn viên, hội viên, hỗ trợ, hướng dẫn chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội tự khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên. Cũng theo hệ thống từ trên xuống, các đoàn thể chính trị-xã hội có kế hoạch cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 30/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về việc nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội" thông qua các hình thức hội thi, tọa đàm, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động chi, tổ hội, phương pháp tổ chức sinh hoạt lệ, phát động phong trào thi đua, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật-công nghệ vận dụng vào sản xuất, thương mại, dịch vụ, xây dựng một số mô hình "Dân vận khéo" trong thực hiện lồng ghép chi, tổ hội vào tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, kiểm tra, đánh giá, bình xét, bình nghị hộ nghèo, Quy chế dân chủ ở cơ sở,...

Từ năm 2016, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thực tế của các đoàn thể giai đoạn 2015-2020" nhằm hỗ trợ các đoàn thể, địa phương đổi mới phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên và theo dõi "trùng lắp" đoàn viên, hội viên các đoàn thể thông qua phần mềm tin học để thay thế cho phương pháp quản lý thủ công trước đây; chấp nhận và khuyến khích một công dân đồng thời tham gia nhiều tổ chức đoàn thể và hội nhưng khi tổng hợp số lượng và tính tỷ lệ vận động, phát triển đoàn viên, hội viên toàn địa phương sẽ tính số thực là con người, không cộng dồn số lượng trùng lắp từng tổ chức như mấy chục năm trước đây.

Thứ hai, việc cải tiến phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên sẽ hướng đến hai mục tiêu cần đạt: (1) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội thông qua xây dựng mới một số mô hình hoạt động gắn với từng lĩnh vực kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị,... đáp ứng nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. (2) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội và đoàn viên, hội viên gắn với cụ thể hóa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp; thực hiện đồng bộ các phong trào thi đua yêu nước của từng đoàn thể và phong trào "Dân vận khéo"; xây dựng nền nếp sinh hoạt lệ từng tổ chức đoàn thể và hội theo điều lệ quy định kết hợp với tình hình thực tế; hướng mạnh hoạt động của tổ chức đoàn thể và hội cấp trên về cơ sở, khắc phục tệ hành chính hoá, phô trương, hình thức, bệnh thành tích. Đoàn thể cấp trên sẽ thực hiện quản lý, theo dõi chặt chẽ tổ chức và hoạt động của chi, tổ hội và đoàn viên, hội viên bằng phần mềm tin học thống nhất.

Thứ ba, cụ thể hóa các phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên bằng công nghệ thông tin đảm bảo sự chính xác danh sách đoàn viên, hội viên từng đoàn thể, hội quần chúng, địa phương, qua đó tạo sự thống nhất toàn tỉnh cách tính toán, tổng hợp thống kê số lượng và tỷ lệ đoàn viên, hội viên từng địa phương và toàn huyện, tỉnh. Từ đó tạo hiệu quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội: (1) Đoàn viên, hội viên quản lý lẫn nhau, thường xuyên dự sinh hoạt lệ và xây dựng ý thức tự quản, thường xuyên giữ mối liên lạc với đoàn viên, hội viên đi làm ăn xa và vận động họ có ý thức xây dựng tổ chức hội, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức đoàn thể. (2) Nâng quy mô công tác vận động, tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên trên diện rộng, thu hút doanh nhân, người có kiến thức khoa học-kỹ thuật, kinh tế,... tham gia vào tổ chức đoàn thể. (3) Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn, chi hội, tổ hội, phân hội theo hướng lồng ghép tổ chức hội với tổ chức kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên với tổ chức hội. (4) Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ phụ trách qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ hội; chỉ đạo xây dựng thực nghiệm một số mô hình đoàn thể phù hợp với nhu cầu và những vấn đề bức xúc của đoàn viên, hội viên về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, nông thôn mới, đô thị văn minh, từ thiện nhân đạo, giới, lứa tuổi, nghề nghiệp; mỗi mô hình cần có một cán bộ hội giỏi, có huy động nguồn lực hỗ trợ phù hợp tính chất của mô hình thực nghiệm.

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: