• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 CHÊNH LỆCH GIỚI TÍNH KHI SINH

11

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103-107 nam/100 nữ. Duy trì chỉ số này trong giới hạn trên sẽ đảm bảo sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương.

Mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Á như Azecbaizan, Acmênia...Từ cuối những năm 70, khi xuất hiện máy siêu âm, kỹ thuật chọc ối, xét nghiệm máu, gen... đã giúp cho các cặp vợ chồng biết được giới tính thai nhi. Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115.

Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai trên 100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Vùng thành thị cao hơn nông thôn, cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng (115,3), sau đó là vùng Đông Nam Bộ (111), đồng bằng sông Cửu Long (109,9), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (109,7), trung du miền núi phía bắc (108,5), thấp nhất là vùng Tây Nguyên (105,5).

Năm 2014, có 15 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2016, tăng lên 22 trong số 63 tỉnh, thành phố. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước.Tại khu vực thành thị, tỷ số GTKS giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng. Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở Y tế đến năm 2017 tỉnh Trà Vinh tỷ số giới tính khi sinh là110,04 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái ( So với trước năm 2010 tỷ lệ giới tính khi sinh là 104 bé trai/100 bé gái), vì vậy tỉnh Trà Vinh đang đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý mong đợi sự khác biệt về vai trò của con trai và con gái trong gia đình. Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Từ tư tưởng trọng nam và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai...vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh.

Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Do chế độ an sinh chưa đảm bảo, hiện nay có khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai. Do chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ.

Nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như chế độ ăn uống, ngày phóng noãn, trong thụ thai chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm bắt mạch, chọc hút dịch ối, nạo phá thai...

Hậu quả:

Đối với gia đình: Thiếu hụt phụ nữ ở độ tuối lập gia đình, kết hộn thực sự khó khăn với nam giới đặc biệt với những người nghèo, học vấn thấp, vùng xa xôi hẻo lánh..

Đối với xã hội: MCBGTKS góp phần làm bất ổn xã hội tình trạng lừa đảo, buôn bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, tình trạng mua bán dâm tăng lên; Cản trở việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội như nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm từ đó tỷ lệ ly hôn, tái hôn tăng cao, tình trạng bạo hành giới sẽ gia tăng, phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, bị ngược đãi, phá thai....

Giải pháp cho tình tạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao mức sống người dân, cải thiện tình trạng sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ cả nước cũng như ở tỉnh đang đối mặt với các nguy cơ, thách thức đó là: Mức sinh chưa ổn định, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên một số nơi có chiều hướng gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.

Nhận thức hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh từ đó tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đã nêu trong điều 10 Nghị định số 104-CP ngày 16/9/2003 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền- giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường.

Sinh con một bề, đặc biệt là một bề gái đã và đang là trăn trở của không ít gia đình hiện nay, khi mà tư tưởng sinh "con trai nối dõi tông đường" đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam nói chung và cả người dân tỉnh Trà Vinh nói riêng. "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", câu nói qua bao đời đã gián tiếp làm khổ không ít người phụ nữ và lung lay hạnh phúc nhiều gia đình. Ngày nay, nhiều gia đình đã có sự thay đổi về tư tưởng. Với tâm niệm, dù trai hay gái chỉ hai là đủ, có rất nhiều gia đình sinh con một bề nhưng vẫn có hạnh phúc trọn vẹn khi các con đều chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với cha mẹ. Con cái là cái lộc trời ban, việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích mới là quan trọng.

Nguyễn Văn Khiêm
Phó giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: