• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Công đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

0706

Lớp tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẵng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức

Hiện nay bình đẳng giới không còn là vấn đề mới, mà bình đẳng giới ngày nay đang đồng hành với quá trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của cả đất nước. Từ trước tới nay, công tác phụ nữ và bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo thực hiện, đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và cán bộ nữ được học tập, rèn luyện phấn đấu để phát triển, trưởng thành toàn diện như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ, quy định trách nhiệm của các bộ ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước...;

Tỉnh ủy và Uỷ ban Nhân tỉnh đã cụ thể thành chương trình, kế hoạch hành động trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với lãnh đạo cơ quan cùng cấp quan tâm trong công tác đánh giá, quy hoạch, đạo tạo, sử dụng, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành chi, đảng bộ, các đoàn thể, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị và các cấp trong hệ thống chính trị. Đến nay cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tăng cả về số lượng và chất lượng, trình độ năng lực thực tiển của đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được nâng lên, nhiều cán bộ luôn thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Để hoạt động bình đẳng giới phát triển theo đúng chiến lược và mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải đổi mới nhận thức nhằm ứng xử và hành động phù hợp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Chính vì vậy, để việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trở thành hoạt động then chốt và xuyên suốt trong mọi hoạt động của tỉnh, các cap61 Hội phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng vai trò, vị trí, sự tác động, ảnh hưởng của bình đẳng giới trong xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận và sử dụng các nguồn lực, tham gia quyết định các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh và thụ hưởng những thành tựu của sự phát triển.

Công đoàn Hội LHPN tỉnh Trà Vinh xác định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là một trong những nội dung trọng tâm. Những năm qua, Ban chấp hành Công đoàn luôn bám sát từng nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch trong quá trình chỉ đạo triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nữ đoàn viên thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Để góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ và phát triển phụ nữ, trong thời gian qua, Công đoàn đã chú trọng công tác tham mưu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tùy theo loại hình đào tạo, Hội có kế hoạch đưa cán bộ tham gia học lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, tiếng Khmer... Tính đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN tỉnh đều tham gia học đại học, cao đẳng, trung cấp trở lên. Nhìn chung, trình độ năng lực cán bộ có nâng lên rõ rệt, thể hiện được tính năng động, sáng tạo linh hoạt, nhạy bén trong công tác. Mặc dù so với yêu cầu thực tiễn tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa cao nhưng so với trước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, số lượng cán bộ nữ được đào tạo hàng năm đều tăng. Đặc biệt, tích cực tham mưu kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và tham gia tích cực trong các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và các ngành liên quan tham gia mở trên 50 cuộc hội thảo, tập huấn triển khai thực hiện Chiến lược của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác thực hiện bình đẳng giới, kỹ năng và kiến thức lồng ghép giới để nâng cao năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới cho trên 500 lượt cán bộ các ban ngành, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp xây dựng, in ấn, phát hành trên 15.000 tờ tin Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới và phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đăng tải trên 700 tin, bài về hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới ở địa phương. Qua đó, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Trong việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên lĩnh vực lao động - việc làm, các hoạt động nhằm tạo mới việc làm, đào tạo nghề, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế... đã được đẩy mạnh và đảm bảo nhiều yêu cầu đặt ra. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo thông qua việc mở rộng khả năng tiếp cận cho phụ nữ, ưu tiên nữ giới trong đào tạo - bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, qua 05 năm thực hiện kế hoạch đã cử 15 nữ cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ có nhiều chuyển biến tích cực: nhận thức về chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ ngày càng được nâng cao, số lượng và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngày càng được tăng cường, phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội thời gian qua đã có kết quả rõ nét, nhất là với công tác cán bộ nữ. Hiện nay các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đều có phụ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.

Thực tế hiện nay việc thực hiện bình đẳng giới còn nhiều khoảng cách, con đường tiến tới bình đẳng giới thực chất vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để triển khai bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động có hiệu quả, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cán bộ nữ gắn với làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, chú trọng chất lượng. Có chỉ tiêu cụ thể từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý ít nhất có 30%. Đảm bảo kịp thời, đúng nguyên tắc, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động xã hội với nội dung và hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, thường xuyên đổi mới, cập nhật thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, tập trung tuyên truyền cho những người có ảnh hưởng lớn tới công tác bình đẳng giới như các cấp lãnh đạo, nhà giáo và nhà báo, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, gia đình và mọi công dân trong công tác bình đẳng giới.

3. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới. Mở rộng đối tượng tuyên truyền đến cán bộ công đoàn..., mở các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ Công đoàn, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đại diện người sử dụng lao động để đưa được vấn đề giới vào trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trong quy hoạch cán bộ, trong các văn bản báo cáo đánh giá, trong xây dựng, giám sát kiểm tra chính sách pháp luật..., bình đẳng giới thông qua các hoạt động chăm lo quyền, lợi ích về lao động, việc làm và đời sống cho lao động nữ, trong đó chú trọng đến việc giải quyết những khó khăn về đời sống, việc làm cho lao động nữ, việc thúc đẩy này phải được xem là một trong những hoạt động thường xuyên của các tổ chức công đoàn. Phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới, chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tuổi nghỉ hưu, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, đời sống văn hóa cho công nhân lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động nữ công.

4. Cán bộ nữ phải tự phấn đấu vươn lên, tích cực chủ động bằng nhiều hình thức phù hợp để học tập nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, năng lực công tác, nhạy bén tiếp thu cái mới, trau dồi phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, cần có hiểu biết về quyền chính đáng của mình, phụ nữ cần cân bằng, hài hòa giữa quyền và trách nhiệm.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng phát triển, càng đòi hỏi phụ nữ và cán bộ nữ có đủ kiến thức trình độ và năng lực về mọi mặt, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển. Thực hiện bình đẳng giới chính là tăng quyền cho phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội nhằm rút ngắn khoảng cách giới giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên khẳng định vai trò vị thế của mình trong gia đình và xã hội hướng đến mục tiêu vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X)"Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"./.

Bài, ảnh: Bích Liễu
Hội LHPN tỉnh

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: