• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

MÔ HÌNH TIÊU BIỂU: Trong phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh" tại Trường Cao Đãng nghề Trà Vinh

1906

Th.S Nguyễn Quốc Thới – Giảng viên nghề Điện công nghiệp hướng dẫn sinh viên thực hành tại xưởng Điện công nghiệp – Trường Cao Đẵng nghề Trà Vinh

Thực hiện Kế hoạch số 43 ngày 17/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016". Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc mô hình học tập và làm theo Bác Hồ với mô hình "nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ học sinh, sinh viên" của Phòng Công tác học sinh, sinh viên (CTHSSV) - Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh. Đây là mô hình được xây dựng và tổng kết đánh giá trong năm 2014, được Đảng ủy Sở Lao động Thương Binh và Xã hội khen thưởng, được phổ biến, nhân rộng và duy trì tại Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh cho đến nay.

Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh hiện nay tiền thân là Trường Dạy nghề tỉnh Trà Vinh được thành lập tháng 11 năm 2003, đi vào hoạt động chính thức tháng 5 năm 2005. Tháng 8 năm 2007 trường chuyển thành Trường Trung cấp nghề Trà Vinh. Ngày 16 tháng 6 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH về việc thành lập Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề Trà Vinh. Trường tọa lạc tại ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.
Năm 2014 trường tuyển sinh và đào tạo 14 nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và gần 20 nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Trường có 21 lớp trung cấp nghề, 6 lớp cao đẳng nghề với trên 600 học sinh, sinh viên (HSSV) và gần 1.000 học viên trình độ sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng.
Đầu năm 2014 Trường có 74 cán bộ, viên chức, lao động (CBVCLĐ), Ban giám hiệu 2 người, 5 phòng chức năng, 3 khoa, một tổ bộ môn trực thuộc trường.
Phòng Công tác học sinh, sinh viên có 05 CBVC, đa số là người mới, chưa am hiểu nhiều các hoạt động chung của Nhà trường cũng như chưa có được nhiều kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực công tác HSSV. Chức năng nhiệm vụ của Phòng là: Tham mưu cho Hiệu trưởng trong công tác tuyển sinh, giáo dục rèn luyện HSSV, công tác giáo viên chủ nhiệm, thực hiện các chế độ chính sách đối với HSSV, quản lý ký túc xá HSSV, giải quyết việc làm cho HSSV tốt nghiệp.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên được Chi ủy Chi bộ quan tâm chỉ đạo sâu sát. CBVCLĐ đều nhận thức được việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là việc làm cao siêu, mà nó có thể được thực hiện ngay từ những công việc thường nhật của tất cả mọi người, từ đó luôn có ý thức gắn việc thực hiện chức trách nhiệm vụ với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là những nội dung đã đăng ký học tập và làm theo.
Lý do lựa chọn và xây dựng mô hình: Việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của Phòng CTHSSV trong năm 2013 vẫn còn một số mặt hạn chế như: Công tác tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ HSSV nợ tiền học phí, tiền ở, tiền sử dụng điện, nước trong ký túc xá còn khá cao; tỷ lệ HSSV bỏ học cao (33,38%); tỷ lệ HSSV được xếp loại rèn luyện từ loại khá trở lên còn thấp, loại yếu kém còn nhiều ...
Để xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình, bước đầu Phòng CTHSSV nghiên cứu các văn bản: Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; Nghị quyết năm 2014 của Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, của Chi bộ Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh; Bản đăng ký mô hình học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 của Chi bộ với mô hình "nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ học sinh sinh viên"
Sau khi được Chi ủy Chi bộ chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình, Phòng CTHSSV đã triển khai quán triệt cho CBVC trong Phòng; CBVC Phòng CTHSSV đón nhận việc xây dựng mô hình với tinh thần phấn khởi, quyết tâm cao; tiến hành đánh giá lại thực trạng và kết quả các mặt công tác của Phòng năm 2013, đề ra giải pháp, quyết tâm thực hiện mô hình. Sau một năm thực hiện mô hình đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc phục vụ HSSV, công việc quan trọng đầu tiên, có tính chất quyết định là cần phải quán triệt sâu sắc, xây dựng tinh thần, thái độ phục vụ HSSV của CBVC Phòng CTHSSV. Với nhận thức trên, Phòng CTHSSV họp quán triệt cho tất cả CBVC trong Phòng phải hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ HSSV, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, việc nào thực hiện được thì thực hiện ngay không để HSSV phải chờ đợi; việc nào HSSV chưa rõ phải hướng dẫn, giải thích tận tình; khi tiếp xúc và giải quyết công việc của HSSV phải có thái độ niềm nở, ân cần, tạo sự gần gủi với HSSV, coi HSSV như chính người thân của mình ...
Để nâng cao được kết quả và hiệu quả phục vụ HSSV, cùng với tinh thần thái độ phục vụ, CBVC Phòng CTHSSV cần phải nghiên cứu nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ngành, địa phương và của Nhà trường có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của HSSV, cụ thể:
- Mục tiêu đào tạo, cơ hội việc làm, thu nhập của HSSV các trình độ đào tạo của từng nghề để tư vấn học nghề cho phụ huynh và HSSV;
- Quy chế công tác HSSV, Quy chế đánh giá xếp loại rèn luyện HSSV, Quy chế thi kiểm tra công nhận tốt nghiệp của Bộ LĐTBXH và của Nhà trường;
- Các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, liên bộ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, của Nhà trường về chính sách, chế độ đối với người học nghề như chính sách về tạm hoãn nhập ngũ, tín dụng đối với HSSV, chính sách miễn, giảm học phí, thông tin việc làm và chính sách giải quyết việc làm và rất nhiều chế độ chính sách khác ... trên cơ sở đó, khi HSSV - đối tượng được phục vụ có nhu cầu, CBVC Phòng CTHSSV có thể tư vấn, hướng dẫn giải thích được đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, không để HSSV phải chờ đợi hoặc phải làm đi làm lại nhiều lần, vừa mất thời gian ảnh hưởng đến việc học tập, vừa gây tốn kém tiền bạc của phụ huynh và HSSV.
Một số kết quả quan trọng đạt được sau một năm thực hiện mô hình:
- Công tác tuyển sinh học nghề năm 2014: tăng 12,8% so với năm 2013.
- 100% Giáo viên chủ nhiệm được chấm điểm xếp loại năm 2014 đạt từ khá trở lên, cao hơn năm 2013 là 17,7%.
- Tỷ lệ HSSV được xếp loại rèn luyện khá trở lên đạt 68,9%, tăng 22% so với năm 2013; Tỷ lệ HSSV xếp loại rèn luyện yếu, kém chỉ còn 5,82%, giảm 7,53% so với năm 2013.
- Thường xuyên triển khai, giải thích cho HSSV nắm rõ các chính sách của Nhà nước mà các em được hưởng trong thời gian học tập, tận tình hướng dẫn cho các em thực hiện các hồ sơ thủ tục để được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách. Những việc HSSV không tự thực hiện được thì Phòng CTHSSV trực tiếp liên hệ với chính quyền địa phương nơi các em cư trú, các trường cũ các em đã học, các cơ quan chức năng ... để giải quyết đầy đủ, kịp thời các hồ sơ thủ tục để các em được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Kết quả thực hiện chính sách đối với HSSV năm 2014:
+ 150 lượt HSSV được xác nhận vay vốn theo chính sách tín dụng HSSV, với tổng số tiền 1.650.000.000 đồng.
+ 203 HSSV được xác nhập tạm hoãn nhập ngũ. Khi gặp phải những vấn đề khó khăn, Phòng CTHSSV in văn bản, hướng dẫn cho các em về trình báo với địa phương hoặc trực tiếp điện thoại, đến gặp các cơ quan chức năng địa phương để giải quyết... giúp các em ổn định tư tưởng, yên tâm học tập cho đến khi kết thúc khóa học.
+ Tích cực vận động, hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết kịp thời nhu cầu ở nội trú của tất cả HSSV; công tác an ninh trật tự, vệ sinh luôn được đảm bảo, giúp HSSV yên tâm ở, sinh hoạt và học tập, thu hút HSSV vào ở nội trú ngày càng đông.
+ Xét cấp học bổng khuyến khích học nghề cho 62 HS trung cấp nghề với số tiền 81.100.000 đồng; Xét và đề nghị các trường liên kết cấp học bổng khuyến khích học nghề cho 20 sinh viên của 6 lớp liên kết với số tiền 30.000.000 đồng.
+ Vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân tài trợ số tiền 34.000.000 đồng để xét cấp học bổng cho 31 HSSV nghèo vượt khó học giỏi.
+ Xét khen thưởng 3 tập thể lớp đạt thành tích lớp tiên tiến, 66 học sinh trung cấp nghề, đề nghị các trường liên kết khen thưởng cho 12 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên giỏi.
- Công tác giải quyết việc làm cho HSSV tốt nghiệp: Liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu thông tin tuyển dụng, chính sách lao động; lựa chọn những cơ quan, doanh nghiệp có chính sách lao động tốt, việc làm phù hợp với ngành nghề các em được đào tạo, giới thiệu tư vấn để các em lựa chọn; hướng dẫn cho các em cách lập hồ sơ xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn, chính sách lao động theo qui định của pháp luật lao động; trong tư vấn và giới thiệu việc làm quan tâm đặc biệt đến HSSV thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, gia đình khó khăn ... Kết quả, gần 200 HSSV tốt nghiệp năm 2014 có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ trên 90%; các em đều thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc; có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quá trình làm việc.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho HSSV: Hướng dẫn, đôn đốc nhắc nhở HSSV thực hiện đúng, đầy đủ các hồ sơ thủ tục để được hưởng chính sách miễn, giảm học phí; không để một HSSV nào thuộc đối tượng miễn, giảm học phí mà không được hưởng chính sách này. Kết quả cụ thể:
+ 306 học sinh trung cấp nghề, 26 sinh viên cao đẳng nghề được miễn, giảm học phí với số tiền 495.095.500 đồng.
+ Đặc biệt, khi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với HSSV theo quy định tại tiết a, khoản 2 điều 5 Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH quy định:
"2. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:
a) ... học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên".
Sau khi triển khai thông báo thực hiện học phí học kỳ II năm học 2013-2014 đối với HSSV, em Thạch Thế Kỳ sinh viên Lớp CĐN12-KTML có cha là ông Thạch Sang - nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Lương Hòa C bị tai nạn lao động ngày 14/02/2009; đến ngày 22/7/2010 ra Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để giám định tỷ lệ mất sức lao động. Theo biên bản giám định em Kỳ đem lên hỏi Phòng CTHSSV, thì kết quả giám định là: "Di chứng tổn thương tủy cổ do tai nạn giao thông: Liệt tứ chi, cần người phục vụ".
Nhìn kết quả giám định, CBVC Phòng CTHSSV đoán chắc chắn rằng ông Thạch Sang bị suy giảm khả năng lao động từ 91% trở lên. Như vậy, ông Sang phải được hưởng trợ cấp hàng tháng đến suốt đời với mức trợ cấp ít nhất 1,6 tháng lương cơ sở/tháng và trợ cấp người phục vụ với mức 1 tháng lương cơ sở/tháng; tức là mỗi tháng ông Sang được trợ cấp ít nhất cũng phải bằng 2,6 tháng lương cơ sở trở lên. Phòng CTHSSV hỏi:
- Quyết định trợ cấp hàng tháng và sổ trợ cấp của ba em đâu?
- Em Kỳ trả lời: "không có"! chỉ có biên bản giám định này thôi thầy ạ!

Từ tháng 02/2009 đến đầu tháng 7/2014, do gia đình không nắm vững chính sách của Nhà nước về trợ cấp tai nạn lao động như trường hợp của ông Sang; đồng thời không rõ Trường Tiểu học Lương Hòa C và Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Châu Thành do không nắm vững chính sách này hay vì lý do gì mà đến đầu tháng 7/2014 ông Thạch Sang vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn hàng tháng; mặc khác em Thạch Thế Kỳ và em trai của em là Thạch Thế Quang đang học lớp 8 Trường THCS Phường 8 Thành phố Trà Vinh cũng không được hưởng chính sách giảm 50% học phí theo qui định của Nhà nước.
Khi biết được trường hợp trên, tìm hiểu thêm được biết hoàn cảnh gia đình em Kỳ thuộc diện rất khó khăn. Phòng CTHSSV giải thích cho em Kỳ hiểu rõ chính sách tai nạn lao động mà ông Sang phải được hưởng, trách nhiệm thực hiện các thủ tục tiếp theo để ông Sang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Hòa C và của Trưởng phòng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Châu Thành; nếu ba của em Kỳ được hưởng trợ cấp hàng tháng thì em Kỳ và Quang mới được hưởng chính sách giảm 50% học phí; đồng thời hướng dẫn mẹ em Kỳ đến gặp Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Hòa C, nếu Trường Tiểu học Lương Hòa C không thực hiện được thì đến gặp lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Châu Thành, nếu lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Châu Thành không thực hiện hoặc không làm được, thì Phòng CTHSSV sẽ hướng dẫn giúp cho mẹ em Kỳ đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng trợ cấp.
Coi HSSV như chính người thân của mình, với quyết tâm và trách nhiệm cao mà Phòng CTHSSV đã tận tâm giải thích, hướng dẫn cho em Kỳ và gia đình. Kết quả ngày 14/7/2014 Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh có Quyết định số 02/QĐ-BHXH về việc hưởng chế độ tai nạn lao động hàng tháng đối với ông Thạch Sang từ ngày 01/11/2011, với mức trợ cấp hàng tháng tại thời điểm tháng 11/2011 là 2.400.703 đ/tháng. Mức trợ cấp trên sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở trong từng giai đoạn: từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2013 là 3.037.033 đ/tháng; từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014 là 3.326.275 đ/tháng và hiện nay là 3.605.800 đ/tháng.
Như vậy số tiền mà ông Thạch Sang được truy lĩnh từ tháng 11/2011 đến tháng 12/2014 là 120.121.905 đồng, em Kỳ còn được giảm 50% học phí với mức giảm là 2.350.000 đ/năm học, em trai của em Kỳ là Thạch Thế Quang học sinh lớp 8 – Trường THCS Phường 8 – TP Trà Vinh cũng được giảm 50% học phí theo qui định. (xin nói rõ thêm: ông Sang sẽ được nhận tiền trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng song song với tiền lương hưu đến suốt đời, hai khoản này đều được điều chỉnh tăng theo mức tăng tiền lương cơ sở)

Kết quả trên đã giúp cho ông Thạch Sang được hưởng đầy đủ, đúng chế độ chính sách của Nhà nước. Nhờ đó mà gia đình ông Sang đã trả hết số nợ do chi phí điều trị tai nạn lao động. Hàng tháng gia đình có thêm khoản thu nhập đáng kể, giảm bớt khó khăn kinh tế. Từ học kỳ II năm học 2013-2014 trở về sau, em Kỳ và em Quang được hưởng chính sách giảm 50% học phí theo qui định của Nhà nước cho đến khi hai em hoàn thành chương trình học tập; tạo được sự phấn khởi, lòng tin của gia đình em Kỳ đối với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đối với tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu của CBVC Phòng CTHSSV nói riêng và của CBVC Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh nói chung đối với HSSV. Em Kỳ và em Quang giảm bớt khó khăn trong học tập, các em gắn bó hơn với Nhà trường và quyết tâm học tập đến nơi đến chốn. Hiện tại em Kỳ đã tốt nghiệp cao đẳng nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và tự mở cơ sở dịch vụ sửa chữa cơ điện lạnh tại nhà với mức thu nhập tương đối khá, đủ trang trãi cho cuộc sống gia đình; em Thạch Thế Quang hiện đã học hết lớp 11, lên lớp 12 Trường THPT thành phố Trà Vinh.

Đặc biệt, nhiều người biết sự việc đều thốt lên:

- Chính sách của Đảng, Nhà nước tốt đẹp quá, nhân đạo, nhân văn quá! vậy mà mấy năm qua không ai biết để làm cho ông Sang sớm được hưởng.

- Thầy cô giáo của Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh sao mà thương học trò, lo lắng, tận tâm với học trò như chính người thân của mình vậy!

Hiệu quả từ việc thực hiện mô hình:

Kết quả các mặt công tác của năm 2014 đều nâng lên so với năm 2013 và những năm trước khi thực hiện mô hình;

Tạo được lòng tin của phụ huynh và HSSV đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như đối với Nhà trường, phụ huynh có con em học tập tại trường ngày càng yên tâm hơn; HSSV gắn bó hơn với Nhà trường, kéo giảm đáng kể tỷ lệ HSSV bỏ học; số lượng HS đăng ký dự tuyển vào trường ngày càng tăng.

Từ kết quả của việc thực hiện mô hình, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là việc làm cao siêu, không phải là việc làm chỉ dành riêng cho các bậc vĩ nhân, mà đó là những việc làm rất bình thường của mỗi đảng viên, CB,CC,VC, LĐ và của mỗi người dân; có thể được thực hiện thông qua những công việc thường nhật trong công tác, trong cuộc sống, trong sinh hoạt của tất cả mọi người.

Để học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác về "Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ nhân dân" nói chung cần phải giáo dục cho mỗi đảng viên, CB,CC,VC ý thức được rằng: Phục vụ nhân dân là trách nhiệm của bản thân mỗi CB,CC,VC, là công việc được trả lương bằng chính tiền đóng thuế của dân; không ai có thể nói hoàn thành nhiệm vụ khi phục vụ nhân dân chưa tốt; đảng viên, CB,CC,VC,LĐ phải coi người dân như chính người thân của mình, phải biết vui cùng với niềm vui và hạnh phúc của nhân dân, phải biết buồn khi thấy dân gặp khó khăn, hoạn nạn ... từ đó mà nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Khi lựa chọn xây dựng mô hình cần phải đánh giá đúng thực trạng của vấn đề, nghiên cứu, phân tích yêu cầu, mục tiêu cần đạt được của mô hình để lựa chọn tập thể, cá nhân thực hiện phù hợp; đề ra những bước đi, giải pháp phù hợp với thực trạng tình hình đã được phân tích đánh giá; tăng cường sự lãnh đạo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, uốn nắn trong quá trình thực hiện để mô hình đạt mục tiêu mong muốn.

Mô hình được phổ biến, nhân rộng sẽ có tác động tích cực trong việc động viên đảng viên, CB,CC,VC tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm trong việc vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào công việc thực tiễn hàng ngày, nâng cao năng lực công tác của đảng viên, CB,CC,VC; giáo dục được ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, CB,CC,VC góp phần khắc phục tình trạng vô trách nhiệm, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm của đảng viên, CB,CC,VC trong bộ máy Nhà nước trước những khó khăn của nhân dân hoặc chí ít ra là khi tiếp xúc và giải quyết công việc của nhân dân.

Mô hình "nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ học sinh, sinh viên" nêu trên là kết quả của việc học tập và làm theo Bác Hồ về "hết lòng hết sức phục vụ nhân dân". Mô hình đã được Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khen thưởng vào dịp tổng kết năm 2014; được Chi ủy và Ban giám hiệu Trường chỉ đạo tiếp tục duy trì thực hiện tại Phòng CTHSSV cho đến nay và phổ biến, nhân rộng cho đảng viên, CB,VC,LĐ toàn trường học tập. Thực hiện Kế hoạch số 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016" Chi bộ Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh tiến hành tổng kết các mô hình học tập và làm theo Bác đạt hiệu quả tốt trong 5 năm qua, mô hình "nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ học sinh, sinh viên" được 100% đảng viên Chi bộ biểu quyết nhất trí đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nghĩa
Chủ tịch CĐCS
Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: