Thực trạng đào tạo nghề ở Trà Vinh và giải pháp phát triển trong thời gian tới
- Được viết ngày Thứ tư, 13 Tháng 9 2017 13:41
- Ngày đăng
- Lượt xem: 3761
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh tỉnh Trà Vinh lần thứ X. Trà Vinh đã nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nghề từng bước đi vào ổn định và phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm có được nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trà Vinh tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp nhằm đưa công tác đào tạo nghề lên một bước phát triển mới.
(Thầy Cao Minh Trận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh (người đứng giữa, trang phục màu đỏ) trao bằng tốt nghiệp lớp Trung cấp nghề năm 2016)
1. Những kết quả bước đầu
Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng lao động, đội ngũ công nhân kỹ thuật có phẩm chất, năng lực, tiếp thu nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đã tổ chức đào tạo nghề được trên 82 ngàn lao động, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; năm 2010 tỷ lệ lao động trong độ tuổi của Tỉnh qua đào tạo mới đạt 28%, thì đến năm 2015 đã đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 39%. Nhờ đó đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 lượt lao động, tạo việc làm mới cho 122.674 người, xuất khẩu 797 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn Tỉnh từ 3,14% năm 2010 xuống dưới 3,09% năm 2015, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn còn khoảng 6%. Cơ cấu lao động bước đầu chuyển dịch tích cực, giảm tỷ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và tăng tỷ lệ lao động ở khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Năm 2016 tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề với tổng số là 699 (kế hoạch là 570 học sinh, sinh viên) bao gồm: Cao đẳng nghề là 245 sinh viên, đạt 163% kế hoạch; trung cấp nghề 454 học sinh, đạt 108% kế hoạch. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 2.292 người, đạt 106,11% kế hoạch (trong đó có 1.114 lao động học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 48,6% và 1.178 lao động học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, chiếm 52,4%). Tổng kinh phí đã giải ngân hỗ trợ lao động nông thôn học nghề là 4.605 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42,6% (đạt 100 kế hoạch).
Công tác tư vấn giới thiệu việc làm sau khi học cũng đạt hiệu kết quả tích cực. Năm 2016 số học viên tốt nghiệp trong năm là: 16.140 người, trong đó trình độ cao đẳng là 59 sinh viên; trình độ trung cấp là 138 học sinh; đào tạo nghề thường xuyên là 15.943 học viên; Kết quả đã giải quyết việc làm trên 80% số lao động sau khi tốt nghiệp, được các doanh nghiệp tuyển dựng và có việc làm ổn định. Không những vậy, đã có 210 lao động có cơ hội đi làm việc nước ngoài đạt 105% kế hoạch (kế hoạch 200 lao động).
Đạt được những kết quả trên, không thể không nói đến sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, giảng viên trong đào tạo nghế. Tính đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 685 cán bộ quản lý, giáo viên (có 571 giáo viên của các cơ sở dạy nghề, gồm 162 giáo viên cơ hữu chiếm 28.3 % và 409 giáo viên hợp đồng dưới 12 tháng, chiếm 71.4 %), không những thế còn quy động được cả các nghệ nhân có tay nghề tham gia giảng dạy.
Để đảm bảo công tác đào tạo nghề, Tỉnh cũng luôn quan tâm đến xây dựng, đầu tư cho các cơ sở dạy nghề. Hiện nay, toàn Tỉnh có 19 cơ sở dạy nghề, gồm: 02 Trường Cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng y tế); 02 Trường Trung cấp (Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú, Trường Trung cấp văn hoá nghệ thuật và thể thao); 02 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân); 06 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần và 07 cơ sở giáo dục khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất dịch vụ (CSP), Trung tâm đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Viện phát triển nguồn lực, Trung tâm Nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển cộng đồng CRSC, Trường Đại học Trà Vinh.
2. Những hạn chế trong công tác đào tạo nghề
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì thực trạng giáo dục - đào tạo nghề những năm qua của tỉnh Trà Vinh vẫn còn những hạn chế cần phải tập trung khắc phục.
Một là, việc tổ chức tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, phân luồng đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa được quan tâm đúng mức;
Hai là, tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy đạt Nghị quyết Hội đồng nhân dân đề ra đề ra, nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn thấp;
Ba là, công tác đào tạo nghề hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các dự án đang đầu tư và khai thác các lĩnh vực kinh tế lợi thế của Tỉnh;
Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy được đầu tư chưa đồng bộ;
Năm là, đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề, giáo viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo nghề còn thiếu về số lượng, kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn chưa cao;
Sáu là, chương trình, giáo trình chưa kịp thời đổi mới theo nhu cầu của thị trường lao động;
Bảy là, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với và cơ sở đào tạo nghề còn lỏng lẻo;
3. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế của Tỉnh
Hiện nay, Trà Vinh có nhiều Dự án lớn của Trung ương đầu tư đang được triển khai và đưa vào sử dụng như: Cầu Cổ Chiên, Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải công suất 4.000MW, Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu (Dự án kênh đào Quan Chánh Bố), cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối Trà Vinh với thành phố Sóc Trăng...,. Do vậy, Trà Vinh sẽ có điều kiện tốt để xây dựng một khu kinh tế tổng hợp ở huyện Duyên Hải và Trà Cú đó là Khu kinh tế Định An đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1513/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2011, Trà Vinh giữ vị thế quan trọng về kinh tế và quốc phòng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở các loại tài nguyên tự nhiên của Tỉnh đã được nêu trên; nông – lâm – thuỷ sản là ngành lớn và phát triển nhanh trong nền kinh tế của Tỉnh; xét về mặt tỷ trọng, đây là ngành đóng góp vào GDP lớn nhất, tỷ trọng sẽ giảm dần sau năm 2015 và ngành thương mại – dịch vụ của tỉnh sẽ có vị trí lớn hơn trong GDP.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của các dự án đang được triển khai và khai thác các lĩnh vực kinh tế lợi thế của địa phương, thì cần phài có lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng nghề cao. Nhưng trên thực tế lực lượng này ở địa phương chưa đáp ứng được, mà phải mời gọi từ nơi khác đến.
4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đào tạo nghề cho Trà Vinh đến năm 2020 và những năm tiếp theo:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về học nghề và phát triển đào tạo nghề. Công tác phân luồng học sinh vào học nghề theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) phải được quan tâm đúng mức, thực hiện quyết liệt ở cả hệ thống chính trị. Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp xã hội về công tác đào tạo nghề; từ đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp.
Điều tra, khảo sát và nắm chắc cung, cầu lao động hàng năm; tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động từ tỉnh đến xã nhằm tăng cường công tác tư vấn học nghề và tư vấn việc làm cho người lao động, giúp người lao động lựa chọn học nghề phù hợp, có khả năng tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông thôn còn 40% trong tổng số lao động xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.
Thứ hai, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo phù hợp về số lượng, chất lượng, cơ cấu vùng, miền, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tư vấn việc làm ngoài công lập; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới của Tỉnh.
Đến năm 2020, toàn tỉnh dự kiến có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề gồm: 01 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 08 cơ sở khác có tham gia hoạt động đào tạo nghề.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và theo chuẩn quốc tế. Trong đó ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh 04 nghề trọng điểm và Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh 03 nghề trọng điểm theo Quyết định 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Quan tâm đầu tư trang thiết bị cho mỗi trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện với mục tiêu mỗi trung tâm tập trung đầu tư thiết bị cho 01 đến 03 nghề chủ lực để xây dựng thương hiệu của trung tâm, nhằm phân công đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm của địa phương, của Đề án 1956. Phấn đấu 2020 có 01 trường cao đẳng chất lượng cao.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; cán bộ quản lý dạy nghề. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đồng bộ về cơ cấu, số lượng; đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực thực hành nghề; sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy, đặc biệt giảng dạy theo năng lực thực hiện, có khả năng dạy được cả lý thuyết và thực hành, hướng tới theo chuẩn quốc tế là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề, hình thành đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề đồng bộ về cơ cấu, số lượng; có năng lực và tính chuyên nghiệp để quản lý tốt quá trình đào tạo, nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính, chất lượng, các dịch vụ đào tạo, các hoạt động hợp tác quốc tế,... để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Đến năm 2020: Đảm bảo tỷ lệ giáo viên/học sinh đạt khoảng 1/15; 25% giáo viên, giảng viên trong các trường cao đẳng và trường trung cấp có trình độ sau đại học; 50% các nghệ nhân, công nhân lành nghề tham gia hoạt động dạy nghề được chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, phương pháp giảng dạy hiện đại.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Xây dựng chương trình đào tạo phải đảm bảo theo khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đáp ứng chuẩn đầu ra, phù hợp với tiến bộ của khoa học công nghệ trong sản xuất và dịch vụ. Phấn đấu xây dựng chương trình tương thích với chương trình của các nước trong khu vực và thế giới.
Bảo đảm việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng các loại hình đào tạo và chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, phân cấp mạnh mẽ và kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Tỉnh đến cơ sở, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động giáo dục nghề nghiệp; kịp thời giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Thứ bảy, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nghề. Khuyến khích học nghề tới mọi đối tượng, trong đó chú trọng cho thanh niên nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động trẻ, tăng năng suất lao động, góp phấn giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, giảm tệ nạn xã hội.
Có quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm gắn đào tạo, chuyển giao công nghệ,... với giải quyết việc làm. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong việc đào tạo mới, đào tạo lại cho lao động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ.
5. Kết luận
Trong thời gian tới khi dự an cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng được triển khai, dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu hoàn thành. Trà Vinh có vị trí rất quan trọng của tuyến đường bộ ven biển từ Thành phố Hồ Chí Minh tới đất mũi Cà Mau, tuyến đường thuỷ để lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu cho khu vực Tây Nam Bộ. Tỉnh Trà Vinh sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư mới cho Khu kinh tế Định An và các khu công nghiệp khác trong tỉnh, khi đó nhu cầu lao động trở nên quan trọng; vì thế tỉnh Trà Vinh cần nhanh chóng thực hiện tốt các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025.
Bài, ảnh - ThS. CAO MINH TRẬN
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh
Mới nhất
- CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 87 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 – 20/10/2017) - 01/11/2017 02:06
- HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH TRÀ VINH QUYẾT ĐỊNH NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG - 19/10/2017 13:44
- 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga - Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử - 10/10/2017 02:29
- CÁC CHÁU THIẾU NHI VUI MỪNG ĐÓN TẾT TRUNG THU - 10/10/2017 02:22
- TRUNG THU XƯA VÀ NAY - 10/10/2017 02:09
Cũ hơn
- Đại hội Công đoàn cơ sở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh khóa X, nhiệm kỳ 2017-2022 - 30/08/2017 02:15
- ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH TRÀ VINH LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2017 – 2022 - 23/08/2017 02:57
- ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH TRÀ VINH LẦN THỨ IX – NHIỆM KỲ 2017-2022 - 22/08/2017 03:01
- GHI NHẬN NHIỀU Ý KIẾN THAM LUẬN TRỰC TIẾP TẠI ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN - 21/08/2017 07:27
- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN THỂ ĐÃ GÓP PHẦN TÍCH CỰC TRONG THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH TRÀ VINH 6 THÁNG ĐÀU NĂM 2017 - 02/08/2017 02:58