• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019

Nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng, tăng lương tối thiểu vùng, Hiệp định CPTPP... là những chính sách được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 1/1. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng tùy từng vùng.

Lao động làm việc tại doanh nghiệp ở vùng I (chủ yếu các quận, huyện tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...) được áp dụng mức lương tối thiểu mới 4,18 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng.

Người lao động tại vùng II được hưởng mức lương tối thiểu 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng mỗi tháng. Vùng III, người lao động được tăng 160.000 đồng mỗi tháng lên mức 3,25 triệu đồng; và vùng IV được tăng lên 2,92 triệu đồng.

9

Lương từng vùng được tăng từ 1/1/2019.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp có chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì chi nhánh ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Không xử lý đơn tố cáo nặc danh

Từ ngày 1/1, Luật Tố cáo 2018 (thay thế cho Luật Tố cáo 2011) chính thức có hiệu lực. Luật có 9 chương và 67 điều và có một số điểm mới đáng chú ý.

Khoản 3 Điều 24 quy định tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi.

Trong đó có tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo không xử lý.

9a

Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018.

Khoản 1 Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (luật cũ 60 ngày). Vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng

Có hiệu lực từ 1/1, Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý, 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng gồm:

1. Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.

Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

9b

6 nhóm hành vi bị cấm trên mạng.

2. Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

Điều 9 của luật cũng quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng. Cụ thể, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cắt giảm gần 100 dòng thuế

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội phê chuẩn thông qua vào ngày 12/11/2018 sẽ có hiệu lực từ 14/1/2019.

Trước Việt Nam, 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30/12/2018.

Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...

9c

Hiệp định CPTPP giúp môi trường kinh doanh được cải thiện.

Việt Nam sẽ sửa một số luật luật và nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Việc cải cách thể chế giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, nhiều luật, nghị định cũng có hiệu lực từ tháng 1 như: Luật Quốc phòng, Luật Thể dục, thể thao, Luật sửa đổi một số luật liên quan quy hoạch, Nghị định quy định chi tiết về quy định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.../.

Nguồn: Thắng Quang/Zing
(Đức Thuận sưu tầm)

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: