• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nữ Đoàn viên Công đoàn cơ sở Liên đoàn Lao động tỉnh: Luôn phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức người Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" nêu quan điểm: Xây dựng con người Việt Nam nói chung, người Phụ nữ Việt Nam nói riêng theo tinh thần giáo dục một người Phụ nữ được một gia đình, người mẹ có phẩm chất tốt thì sẽ có những người con tốt, thế hệ tương lai tốt, có nhiều gia đình tốt sẽ có xã hội tốt. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011"Về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; Chỉ thị số 03/CT-TLĐ, ngày 18/8/2010 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ, đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng chương trình hành động.

1704

(Văn nghệ chào mừng Hội nghị điển hình tiên tiến và Tổng kết 05 năm 2010 -2015
phong trào thi đua trong CBCCVCLĐ Công đoàn Viên chức tỉnh Trà Vinh, ảnh - Bá Thi)

Nhằm tổ chức các hoạt động về công tác nữ công trong năm theo hướng dẫn của công đoàn cấp trên, ngày 03/3/2017 Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành Kế hoạch số 01/KH-CĐCS về nhiệm vụ công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đoàn viên cơ quan. Tại hội nghị sơ kết công tác công đoàn quý I/2017, đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ sở Liên đoàn Lao động tỉnh đã nói lên suy nghĩ của mình về những phẩm chất "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" của những người Phụ nữ ngày nay, đồng chí kêu gọi nữ đoàn viên, cán bộ, công chức cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh hãy suy nghĩ và có những hành động thiết thực, cụ thể nhiều hơn nữa – đồng chí nói:
Như chúng ta đã biết, hai cuộc kháng chiến vĩ đại, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam đã ghi dấu những đóng góp to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, của những thế hệ Phụ nữ, việc nước, việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi xinh. Gian khổ rồi cũng đã qua đi, đất nước ta đã toàn thắng. Ngày 08/3/1965, để đánh giá cao sự đóng góp của Phụ nữ Việt Nam, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tặng Phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 08 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang". Lời khen tặng ấy của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã trở thành "tượng đài" về phẩm chất, đạo đức của Phụ nữ Việt Nam. Từ ngày đổi mới đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho Phụ nữ. Sau khi tiến hành điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đông đảo các tầng lớp Phụ nữ và nhân dân, tại kỳ họp thứ 10 (khóa X), Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã quyết định lựa chọn 04 phẩm chất đạo đức: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên Phụ nữ.
Vậy thì chúng ta suy nghĩ thế nào là: Tự tin; Tự trọng; Trung hậu; Đảm đang?
Tự tin: Trong đời sống xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận Phụ nữ còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti, không tin vào chính khả năng của bản thân mình, từ đó đã làm hạn chế sự phấn đấu vươn lên của các chị em và là một trong những yếu tố cản trở Phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Chính vì vậy, mỗi người Phụ nữ phải biết phát huy những ưu điểm của bản thân, biết được điểm yếu để khắc phục. Phải có đủ bản lĩnh để chiến thắng "nỗi sợ hãi" do chính mình tưởng tượng ra, phải biết vượt lên chính mình, biến những khiếm khuyết, điểm yếu của mình thành điểm mạnh sẽ rất thành công trong công việc chứ đừng vì thiếu tự tin về dáng vẻ lại co cụm mình lại, ngại giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động. Tự tin giúp Phụ nữ có tính quyết đoán, tự chủ trong công việc; tự quyết định những vấn đề có liên quan đến bản thân và gia đình mình; không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, giúp thực hiện bình đẳng trong gia đình cũng như ở cơ quan. Nếu thiếu tự tin, Phụ nữ dễ rơi vào thụ động, thiếu chí tiến thủ; an phận, không có chính kiến. Tuy nhiên, "tự tin" không có nghĩa là "tự cao" mà phải "biết mình, biết ta"; phải khiêm nhường, đề cao giá trị bản thân nhưng vẫn luôn tôn trọng giá trị của người khác. Chị em nữ Phụ nữ phải tin vào năng lực bản thân, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động đối mặt, bình tĩnh giải quyết các công việc trong cuộc sống và sự nghiệp; mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến; biết tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh phê phán cái sai. Muốn trở thành một người Phụ nữ tự tin thì cần phải trang bị cho mình vốn hiểu biết và kỹ năng nghề nghiệp, muốn vậy phải tin vào khả năng thành công của mình, phải tích cực học tập, lao động sáng tạo, bồi dưỡng trí tuệ, có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp hình thể. Nếu không, người phụ nữ sẽ không có nền tảng để cho sự tự tin đứng vững.
Tự trọng: Phải xem trọng phẩm giá, danh dự của mình, của gia đình, đồng bào, dận tộc mình, tự hào, tự tôn dân tộc mình; Phải biết tôn trọng người khác; Luôn có ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện tác phong, lối sống để không ngừng hoàn thiện bản thân; sống có trách nhiệm với bản thân, làm tròn nghĩa vụ với gia đình, xã hội; nói đi đôi với làm; Phải tôn trọng pháp luật, ứng xử có văn hóa thì lòng tự trọng sẽ được đề cao hơn bao giờ hết. Như vậy lòng tự trọng không ở đâu xa, mà trước hết đó là ý thức tự tôn trọng ngay chính nhân cách của bản thân mình, từ đó mới có tôn trọng người khác; và cao hơn nữa của sự tôn trọng là chấp hành pháp luật một cách tự giác, biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; Và, khi điều đó được thẩm thấu, được ăn sâu vào trong suy nghĩ, trong cách ứng xử của mọi người thì nó sẽ trở thành nền tảng văn hóa, đạo đức của xã hội. Cũng có một số ít chị em sống trong nền kinh tế thị trường không biết tự kiềm chế, bị lôi kéo vào vòng xoáy của đồng tiền, có người không chịu phấn đấu nhưng mong có được vị trí cao để hưởng quyền lợi, do đó tìm mọi thủ đoạn để "vươn lên"... Tự trọng còn là người cư xử đúng mực, biết trước biết sau; là người không vì vật chất trước mắt mà đánh đổi danh dự của mình; không tham lam, không sống buông thả, luôn giữ gìn phẩm chất, đức hạnh của mình.
Trung hậu: Là thể hiện sự thủy chung, son sắt. Xã hội chúng ta hiện nay, thường hay nói nhiều đến hiện tượng "vô cảm", tức là sự thờ ơ đến nhẫn tâm của con người khi thấy cái đúng không bảo vệ; thấy cái sai không dám lên án, đấu tranh; thấy những tai nạn cần được giúp đỡ thì không cứu giúp vì sợ liên lụy đến bản thân mình.
Đảm đang: Để có thời gian học tập, phấn đấu, người Phụ nữ đang phải đối diện với sức ép về thời gian, phải sử dụng thời gian sao cho thật tối ưu. Thời gian của người Phụ nữ "eo hẹp" hơn nhiều so với nam giới. Thiên chức của người phụ nữ là mang thai, sinh con, chăm sóc con cho nên sau 8 giờ làm việc mỗi ngày, người Phụ nữ tiếp tục các công việc nội trợ gia đình, nuôi dạy con... Thời gian để đọc báo, cập nhật thông tin xã hội, tự học để trau dồi kiến thức là rất ít. Đó là chưa nói đến việc làm thế nào để có thời gian tham gia các hoạt động thể thao hay các hình thức giải trí khác. Người Phụ nữ vừa tham gia kiếm tiền nuôi sống gia đình, vừa chăm sóc các thành viên trong gia đình sẽ rất vất vả hơn người đàn ông. Để chăm sóc cho một gia đình, thông thường mỗi người Phụ nữ phải cần gần hết thời gian trong ngày cho các công việc nội trợ, từ dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ,... tới chăm sóc, dạy dỗ con cái. Họ còn phải chia quỹ thời gian ra nhiều phần để dành cho công việc cơ quan, công việc xã hội, học tập, chăm sóc bản thân nữa. Người Phụ nữ phải đương đầu với bài toán tài chính trong gia đình. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, khả năng kinh tế của mỗi gia đình tuy có được nâng lên theo mức thu nhập trung bình của xã hội và theo sự nỗ lực của bản thân nhưng cũng không thể lúc nào cũng theo kịp và đáp ứng được những nhu cầu ngày càng đa dạng của mỗi cá nhân. Do đó họ phải cân nhắc, lựa chọn cho việc sử dụng những khoản tiền có được. Đó chính là tính đảm đang. Những người phụ nữ thành đạt, thường là những người phụ nữ có được những người bạn đời biết thông cảm, sẵn sàng cùng lo tài chính của gia đình, cùng "xắn tay áo" vào bếp, cùng chia sẻ với vợ mình mọi công việc nặng nhọc, trong đó có cả việc nội trợ và nuôi dạy con cái. Như vậy đảm đang không có nghĩa chỉ giỏi trong việc quán xuyến, thu vén công việc gia đình, giỏi tề gia bếp núc, nội trợ mà đảm đang còn thể hiện người Phụ nữ với vai trò là người lao động giỏi; biết nắm bắt khoa học kỹ thuật; làm việc có năng suất chất lượng, hiệu quả để tạo ra thu nhập chân chính, làm giàu cho gia đình và cho xã hội. Ngoài ra, còn phải biết sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực của gia đình. Thực hiện tốt hai vai "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; hài hoà bổn phận, trách nhiệm của người Phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội chính là lời giải cho tính đảm đang của người Phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang hoà nhịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới,... người Phụ nữ Việt Nam vẫn vừa đảm đương những công việc thường nhật trong gia đình, vừa gánh vác ngày càng nhiều trọng trách trong đời sống xã hội và cộng đồng. Muốn thực sự vươn lên trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hôm nay, nhất định người Phụ nữ phải không ngừng học tập, phải cố gắng để tiếp cận được những tri thức khoa học tiên tiến, phải tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, ngay trong gia đình và sau đó là những việc lớn hơn ra phạm vi xã hội. Song, những điều đó cũng chưa phải là điều kiện đủ. Để có thể thành đạt, người Phụ nữ cần có những điều kiện khách quan tốt, cần một môi trường xã hội mà ở đó, sự phấn đấu của họ không những được chấp nhận mà còn được tạo điều kiện tốt nhất.
Từ những suy nghĩ nêu trên, đồng chí rất mong toàn thể cán bộ đoàn viên nữ của cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh luôn phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam để ngang tầm với người Phụ nữ mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

KIM CHI

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: