TRUNG THU XƯA VÀ NAY

Nguyễn Văn Khiêm

(Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Trà Vinh)

Không biết tự bao giờ, hai tiếng "Trung Thu" đã ăn sâu vào ký ức trẻ thơ Việt Nam. Có thể ở một nơi nào đó có những người cha, người mẹ vì kế mưu sinh của gia đình từng lúc quên đi ngày trọng đại này của con mình nhưng với các con thì không thể nào quên được.

Ngày xưa, tôi còn nhớ trước khi đến Trung thu cả tháng là bọn trẻ chúng tôi đã tụm năm, tụm ba bàn nhau vể việc chọn tre vót nan, chọn giấy màu gì, trang trí sao cho đẹp...biết bao nhiêu là việc phải chuẩn bị. Khi ấy ở quê tôi làm gì có nhiều dạng lồng đèn như bây giờ; chỉ duy nhất có đèn ông sao thôi nhưng khác nhau, hơn nhau là ở độ to, nhỏ và ở cách trang trí.

Có lần bạn tôi được người Bác ở Sài Gòn mang về cho cái lồng đèn hình bươm bướm, thế là cô nàng chảnh chọe lắm, quý như vàng chẳng cho ai đụng vào; lũ trẻ chúng tôi chỉ biết đứng nhìn cho đỡ thèm. Rồi năm tháng đi qua, bây giờ chúng tôi đã là cha là mẹ rồi, là những người đi làm việc, ấy nhưng cứ sắp đến Rằm Tháng Tám là vẫn thấy nao nao.

0210

Trẻ em Trà Vinh vui Tết Trung thu (Ảnh: Nguyễn Châu)


Xưa là thế, nhưng ngày nay sau hơn 42 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, đời sống người dân được nâng cao hơn, diện mạo Việt Nam được thay đổi hơn, người dân cũng cơm no hơn, áo ấm hơn và như ông bà ta nói: 'Phú quý sinh lễ nghĩa", mọi người cũng quan tâm nhiều hơn đến lễ hội trong đó có ngày lễ Trung thu.

Qua các mạng truyền thông chúng ta đều biết cứ đến ngày Rằm Tháng tám, không ai bảo ai mọi người đều chung tay chăm lo cho các em bằng năng lực mình hiện có. Không riêng các em vùng đồng bằng mà cả các em vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng được quan tâm. Qua báo đài đưa tin các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, trường học cũng tổ chức họp mặt, tặng quà. Các đoàn từ thiện cũng đến thăm các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, các bệnh viện nhi...các em cũng nhận được thư chúc mừng của các cô, chú lãnh đạo ở Trung ương, ở địa phương nơi mình ở. Tuy chưa được gọi là đầy đủ nhưng Trung thu bây giờ được xem là Ngày hội Trăng Rằm dành cho các em thiếu nhi Việt Nam, là nơi thể hiện tấm lòng chăm lo cho thế hệ trẻ của người Việt Nam ta.

Và ở đây người Trà Vinh chúng ta cũng không ngoại lệ. Cứ sắp đến ngày Trung thu là không khí mua bán lồng đèn lại rộn ràng lên; các trường Mẫu giáo thi nhau tập hát múa cho ngảy Hội; hoạt động của các đoàn thể cũng sôi nổi lên nhất là đoàn Thanh niên. Hàng năm Tỉnh đoàn Trà Vinh kết hợp Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức hội thi lồng đèn, các trò chơi dân gian và chuẩn bị chương trình văn nghệ đặc biệt nhằm phục vụ cho "Đêm hội Trăng Rằm" của tỉnh nhà. Điều đáng nói là lễ hội được tổ chức ở các huyện,thị, thành phố để trẻ em vùng sâu cũng được hưởng Đêm Rằm trọn vẹn.

Ở đêm Trung thu các em còn được tham gia hội thi làm lồng đèn; được đi rước đèn. Trên tay các em là lồng đèn do chính tay các anh, chị đoàn viên của chi đoàn các cơ quan, các trường đại học làm tặng tuy không sắc sảo lắm nhưng đong đầy tấm lòng, đầy tình nghĩa mà các anh, chị đã dành cho các em.
Đêm Trung thu, chúng ta thương lắm những đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trong đoàn không chỉ có các anh chị, các cô chú mà còn có cả các ông bà. Họ không giàu lắm đâu chỉ là mỗi người có một ít công sức, một ít tiền của vậy là làm nên niềm vui bao la cho các em chẳng may bất hạnh khiếm khuyết một phần cơ thể. Đây cũng chính là niềm động viên to lớn để các em hòa nhập cộng đồng.

Để làm nên đêm Trung thu rộn rã niềm vui chúng ta cũng không quên tấm lòng của các cô, các chú lãnh đạo của cả nước nói chung, của tỉnh Trà Vinh nói riêng dù bận trăm công nghìn việc nhưng các cô, chú vẫn đến dự Hội, vẫn gửi thư chúc mừng với ngàn lời hay ý đẹp đến cho các em.

Trung thu xưa và nay là thế; cho dù lồng đèn có thay đổi từ đèn ông sao bằng tre nứa đến đèn xếp bằng giấy sử dụng đèn cầy đến đèn bằng nhựa sử dụng pin nhưng tất cả vẫn qui tụ vào một điểm: Làm rộn ràng thêm cho không khí ngày Rằm Tháng Tám; tô đậm thêm cho ký ức tuổi thơ Việt Nam nói chung; cho trẻ em Trà Vinh nói riêng giúp các em có một đêm Trung thú đầy ý nghĩa.

Nhân đây, tôi cũng thay mặt lãnh đạo Sở LĐTB&XH xin cảm ơn các cấp công đoàn trong tỉnh thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho các cháu thiếu nhi và trong thời gian tới rất mong các cấp công đoàn, cùng các nhà hảo tâm phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa để các cháu thiếu nhi hưởng ngày hội Trung thu vui vẻ, đầm ấm, bổ ích./

Mới nhất

Cũ hơn