• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG Ở TRÀ VINH

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG Ở TRÀ VINH

Qua 03 năm quyết tâm thực hiện

Nguyễn Văn Khiêm
Phó Giám đốc Sở Lao động-TB&XH Trà Vinh

Công tác giảm nghèo bền vững là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ủy Trà Vinh. Trong những năm qua với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể; sự phối hợp của các ngành, sự nổ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động của hệ thống công đoàn các cấp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, làm chuyển biến khá toàn diện các lĩnh vực xã hội; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đường làng, ngõ xóm, trường, trạm... khang trang, làm thay đổi bộ mặt văn hóa vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỉnh Trà Vinh có 01 huyện nghèo thuộc nhóm 2 theo quyết định 275 của Thủ tướng Chính phủ, 07 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng bãi ngang ven biển, 24 xã và 52 ấp ĐBKK thuộc Chương trình 135. Những năm đầu giai đoạn 2016-2020, cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã, ấp ĐBKK thiếu và yếu không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, lao động của người nghèo chủ yếu lao động giản đơn, không có việc làm ổn định.
Đầu năm 2016, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trà Vinh có 35.506 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,23% so dân số toàn tỉnh, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao xếp thứ 30 so với các tỉnh thành trên phạm vi cả nước (xếp từ cao xuống thấp). Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Trà Vinh còn 16.414 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,95%, giảm 7,28% so với đầu năm 2016, bình quân giảm 2,43%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo Trà Cú còn 10,34%, giảm 9,87%, bình quân giảm 3,29%/năm, các xã ĐBKK thuộc vùng bãi ngang ven biển giảm bình quân từ 4 - 5%/xã/năm; xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 giảm bình quân từ 5 - 6%/xã/năm. Hộ nghèo dân tộc Khmer còn 11,27%, giảm 11,85% so đầu năm 2016, bình quân giảm 3,95%/năm.Tỷ lệ giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh hàng năm đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, trên cơ sở đó chắc chắn rằng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ còn dưới 5% vào cuối năm 2020 (chỉ tiêu Nghị quyết giảm 2%/năm và còn dưới 5% vào năm 2020); Như vậy, kết quả giảm nghèo của Tỉnh đã vượt so với mục tiêu chung của Chính phủ đã đề ra theo Nghị quyết 80/NQ-CP và Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (bình quân cả nước giảm 1-1,5%/năm), đồng thời cũng đã hạn chế tình trạng tái nghèo, thể hiện tính giảm nghèo bền vững.

Trong 3 năm (2016 – 2018) tỉnh tập trung đầu tư xây dựng 221 công trình các loại trên địa bàn các xã ĐBKK, trong đó 41 công trình thuộc xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, 180 công trình thuộc xã ĐBKK Chương trình 135, hiện nay 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, 98,43% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 83,92% khóm, ấp có đường cho xe cơ giới, 100% khóm, ấp có điện lưới Quốc gia. Mô hình sinh kế cho người nghèo được phát triển, nguồn vốn Chương trình MTQG GNBV đã hỗ trợ 3.258 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện và chí thú làm ăn về giống cây trồng, vật nuôi để hộ phát triển sản xuất tạo thêm thu nhập (mức hỗ trợ hộ nghèo 15 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 12 triêu đồng/hộ), bên cạnh đó quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) cũng đã tài trợ 41 mô hình (hộ nghèo/hộ cận nghèo tối đa 30 triệu đồng/ hộ) theo cơ chế cạnh tranh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả cao, đã được lựa chon để nhân rộng như: Mô hình sản xuất lúa giống theo hình thức thâm canh cải tiến, trồng dưa hấu, trồng nấm rơm; mô hình nuôi dê, vịt thương phẩm, bò sinh sản, bò vỗ béo; mô hình nuôi cua biển, tôm thẻ, sò huyết. Hầu hết các xã lựa chọn những mô hình nêu trên để định hướng cho người dân thực hiện vì nó có những ưu điểm: giá cả ổn đinh, phù hợp tập quán của người dân, ít rũi ro, giống của địa phương đã thích nghi thổ nhưỡng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều hộ tham gia mô hình chăn nuôi sau khi kết thúc dự án đã duy trì được mô hình và phát triển bầy đàn; năm 2017 qua khảo sát 341 hộ tham gia mô hình có 70% số hộ đã thoát nghèo bền vững. Công tác giải quyết việc làm cho lao động để người lao động có việc làm ổn định cũng được xác định là một giải pháp giảm nghèo căn cơ, nhất là đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, phối hợp doanh nghiệp trực tiếp đến các huyện mở phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu nên công tác xuất khẩu lao động của tỉnh 3 năm liền đều vượt chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao (chỉ tiêu giao 200 lao động/năm). Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định nơi ăn ở, tỉnh đã hỗ trợ 2.317 hộ nghèo không có đất ở (1.149 hộ dân tộc Khmer, 1.168 hộ dân tộc kinh), mức hỗ trợ hộ nghèo dân tộc kinh 25 triệu đồng/hộ, hộ nghèo dân tộc Khmer 33 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 4.609 hộ khó khăn về nhà ở được vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức vay 25 triệu đồng/hộ.

Đạt được kết quả nêu trên là do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành quyết định 1282-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo và Quyết định 4047-QĐ/TU kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh giai đoạn 2016-2020 do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các phó Trưởng ban và thành viên thuộc các sở ban ngành, đoàn thể, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó duy trì 2 Văn phòng giúp việc cho Ban chỉ đạo là Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh. Đối với 9 huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện theo cơ cấu của Ban chỉ đạo tỉnh do Bí thư huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo.
Để triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng để làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân quyết định tổ chức thực hiện. Cụ thể như Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND tỉnh phê chuẩn Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó định mức hỗ trợ chi phí ban đầu cho lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 9.300.000đ (bao gồm chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, thủ tục visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, ăn nghỉ, trang cấp đồ dùng cá nhân...trong thời gian đào tạo), đồng thời mỗi lao động được giải quyết cho vay tối đa 150 triệu đồng, qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều lao động thuộc hộ gia đình khó khăn đăng ký tham gia, từ đầu năm 2018 đến nay đã có 312 lao động xuất cảnh và đã vay với số tiền 18.868 triệu đồng.

Từ nguồn ngân sách địa phương. Để góp phần cùng Trung ương đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung, tỉnh Trà Vinh đã ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn như: Nghị quyết 35/2017/NQ-HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; Nghị quyết 57/2018/NQ-HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT); Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND tỉnh phê chuẩn Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ bằng 02 hình thức (hỗ trợ không hoàn lại và hỗ trợ cho vay bổ sung), với mức hỗ trợ là 9.300.000 đồng để cho người lao động trang trãi chi phí ban đầu như: học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, ăn, ở, đi lại... ; Quyết định 11/QĐ-UBND hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo ngoài Quyết định 29/QĐ-TTg (mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ); Đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngoài ra; thực hiện "Xã hội hóa" công tác giảm nghèo, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành thành viên Mặt trận đã tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay vì người nghèo, chỉ riêng trong năm 2018 vận động đóng góp với tổng số tiền 231.944 triệu đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, với những việc làm cụ thể như: Hỗ trợ 10.000 đầu thu truyền hình kỹ thuật số, tặng 586 suất học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng 01 trường học (Trường Trung học cơ sở thị trấn Tiểu Cần), xây dựng 49 cây cầu, 2.586m đường giao thông nông thôn; 1.290 căn nhà tình nghĩa; 305 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 34 căn nhà cho hộ nghèo, tặng quà cho 100 công nhân nghèo, hỗ trợ 01 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; tặng quà 13.713 hộ nghèo vui xuân đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.
Song song đó tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình ở các địa phương để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả khi triển khai thực hiện, cụ thể như: tổ chức 09 cuộc giám tại Ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố về việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2018 trong đó cũng đã đề nghị Ban chỉ đạo cấp huyện xác định được danh sách hộ dự kiến thoát nghèo trong năm để tập trung nguồn lực hỗ trợ; thực hiện 18 cuộc kiểm tra tình hình in, cấp thẻ BHYT cho đối tượng do ngành Lao động – TB&XH quản lý; 07 cuộc giám sát đánh giá giữa kỳ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại Ban chỉ đạo 07 huyện; Đồng thời phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện 04 cuộc giám sát các chương trình dự án giảm nghèo tại huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú; phối hợp Văn phòng Quốc gia giảm nghèo giám sát các chương trình dự án giảm nghèo tại xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển.

Ngoài ra; trong đợt giám sát, đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016-2020 Sở Lao động đã chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo phân công Chuyên viên phụ trách bám địa bàn hỗ trợ các huyện thực hiện công tác giám sát. Nhìn chung công tác giám sát việc triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo vừa qua đã được thực hiện rất chặc chẽ.

Trong công tác Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện 29 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo cấp xã, nhằm tạo mối liên hệ giữa người dân với chính quyền để mọi người nói lên chính kiến của mình khi tiếp cận chính sách giảm nghèo của Nhà nước; lắp dựng 10 cụm panô tuyên truyền giảm nghèo tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Sở Thông tin –Truyền thông tổ chức tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố sản xuất, biên tập và phát các chương trình giảm nghèo của địa phương; Ban Dân tộc tổ chức cấp phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức 08 cuộc tuyên truyền Chính sách pháp luật liên quan đến hộ nghèo, người nghèo.

Thành công của công tác giảm nghèo có yếu tố quyết định bởi người cán bộ giỏi, có tâm huyết, từ đó đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở (chuyên trách và kiêm nhiệm) luôn được tỉnh quan tâm bồi dưỡng và nâng cao năng lực. Năm 2018 tỉnh đã tổ chức 55 lớp tập huấn cho hơn 2.926 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở (18 lớp nghiệp vụ công tác giảm nghèo; 21 lớp kỹ năng tuyên truyền, tư vấn; 7 lớp nghiệp vụ giám sát đánh giá Chương trình; 9 lớp nghiệp vụ rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo). Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Trường Đại học Trà Vinh cũng đã tổ chức 35 lớp tập huấn công tác giám sát cộng đồng và duy tu bảo dưỡng công trình để nâng ý thức trách nhiệm của người dân trong quá trình thụ hưởng chính sách. Tổ chức cho 40 cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở học tập kinh nghiệm mô hình giảm nghèo tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mở rộng tầm nhìn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về áp dụng cho địa phương.

Tuy nhiên; Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện công tác giảm nghèo ở tỉnh Trà Vinh vẫn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến nguyên nhân nghèo như: Lao động trong hộ nghèo chủ yếu là lao động giản đơn thu nhập không cao, thường là làm thuê làm mướn tại địa phương việc làm không ổn định, khoản 50% gia đình nghèo còn trẻ (dưới 40 tuổi) chỉ có người chồng đi làm, người vợ ở nhà trông nhà, giữ con hoặc 02 vợ chồng cùng đi làm nhưng làm thuê công nhật, bữa có bữa không. Trong nhóm hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo, người trong tuổi lao động chiếm tối đa 50%, thông thường hộ có 4 thành viên, một người đi làm thì một người phải ở nhà chăm con hoặc cha mẹ già (một người làm nuôi 03 người); Lao động trẻ trong hộ nghèo đi làm công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh ít gởi tiền về phụ giúp gia đình mà chủ yếu là chi xài cho cá nhân. Hiện tại còn 3.893 hộ ý thức tự lực vươn lên còn yếu cần phải tăng cường tuyên truyền vận động, 754 hộ chây lười lao động chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH nhưng không biết cách làm ăn từ đó nhiều hộ sử dụng vốn không đúng mục đích. Qua khảo sát và xác định của Trưởng ban nhân dân các ấp, khoảng 65% hộ sử dụng vốn có hiệu quả, 35% hộ sử dụng vốn không hiệu quả, khi tìm hiểu về suy nghĩ và cách tính toán làm ăn của từng hộ nghèo thì trên 95% hộ trả lời là không biết làm gì, chỉ biết là ai mướn gì làm nấy, còn việc khi được vay vốn của NHCSXH thì đơn giản nhất là nuôi bò. Ý thức tiết kiệm và tích lũy của hộ chưa cao, chi tiêu gia đình chưa hợp lý, thường là làm có tiền thì tiêu xài, hết sẽ làm tiếp. Ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân luôn là thách thức lớn,người nghèo luôn luôn muốn gia đình mình được công nhận hộ nghèo, thậm chí nhiều hộ gia đình xin "được" xét vào hộ nghèo.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, phân tích những nguyên nhân đẫn đến tình trạng nghèo, tỉnh Trà Vinh đã có những giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Ngay từ đầu năm giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng địa phương để từng địa phương phấn đấu, qua đó địa phương khảo sát điều kiện từng hộ gia đình lập thành danh sách hộ dự kiến thoát nghèo trong năm, đây là cơ sở để địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ cho hộ vươn lên thoát nghèo; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc; Nắm chắc danh sách hộ nghèo theo địa chỉ, theo từng tổ dân cư, hoàn cảnh sống, số người có khả năng lao động, nghề nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo từng hộ, nhu cầu và năng lực của bản thân hộ gia đình để có biện pháp hỗ trợ đạt hiệu quả. Hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo phải đi kèm với nâng cao năng lực về mọi mặt trong đó đặc biệt quan trọng là kiến thức sản xuất, tiếp cận dự đoán thị trường và ý thức tiết kiệm trong đời sống của mỗi hộ gia đình. Nhà nước định hướng và quy hoạch các vùng sản xuất vật nuôi, cây trồng phù hợp và có khả năng thích ứng với môi trường biến động. Một kinh nghiệm có tính mấu chốt tạo nên thành công của công tác giảm nghèo là phải phát huy được vai trò của bản thân người nghèo, nhà nước và cộng đồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt chứ không làm thay, không cứu tế cấp phát đơn thuần, bản thân người nghèo phải tích cực, chủ động tự lực vươn lên để thoát khỏi nghèo đói.

Kinh tế tỉnh Trà Vinh phát triển, xã hội ổn định là nhờ các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện kịp thời, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, đối với các dự án khi triển khai đều tổ chức họp dân lấy ý kiến đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung theo quy định. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và sinh họat đời sống từng bước được cải thiện và phát triển, khai thác được tiềm năng, thế mạnh địa phương, tạo điều kiện làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội ở nông thôn; giải quyết được việc làm người dân có thu nhập cao ổn định cuộc sống, thực hiện chương trình y tế, giáo dục, đã tạo điều kiện giúp nhân dân chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tốt, con em người nghèo có điều kiện đến trường. Tác động của việc thực hiện chính sách và giải pháp giảm nghèo đến đối tượng thụ hưởng là tích cực, người dân dần dần thay đổi về nhận thức và hành vi, từ chỗ biết được, hiểu được đi đến làm theo.

Đạt được kết quả quan trọng nêu trên, một lần nửa chúng ta khảng định có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn cơ sở từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn là nền tảng cho Trà Vinh nâng dần mức sống người nghèo, hứa hẹn đến cuối giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh kéo giảm ngang bằng với các tỉnh trong khu vực.

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: