• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

TẤM GƯƠNG DÂN VẬN KHÉO VỀ “TIẾP CÔNG DÂN VÀ XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN” CỦA CƠ QUAN VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Đơn vị: Văn phòng HĐND tỉnh Trà Vinh

I. PHẦN MỞ ĐẦU

Khiếu nại, tố cáo là một phương thức vừa thể hiện quyền dân chủ của Nhân dân vừa thể hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta luôn coi giải quyết khiếu nại, tố cáo là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Do đó, việc quan tâm làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là thể hiện bản chất dân chủ tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Để học tập và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đạt hiệu quả trên thực tế, Chi bộ, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh đã xem xét lựa chọn thực hiện mô hình học tập và làm theo Bác về "tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân".

II. PHẦN NỘI DUNG

1/- Sự cần thiết, cấp thiết phải xây dựng mô hình

Thời gian qua, công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại của công dân luôn được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chú trọng thực hiện tốt. Thực hiện Điều 107 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 292/KH-HĐND ngày 06/10/2016 về tổ chức tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh Trà Vinh, khóa IX. Tuy nhiên, với mức độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, việc tranh chấp trong nội bộ Nhân dân và giữa Nhân dân với chính quyền địa phương còn diễn ra phức tạp. Do đó, việc học tập và làm theo Bác về "tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân" là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và vận động công dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

2/- Xác định nội dung học tập và làm theo Bác

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra ý nghĩa chính trị sâu sắc của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân như trong bài nói chuyện với cán bộ thanh tra tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, tố cáo, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, tố cáo. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn". Theo quan điểm của Bác, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân chính là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước; khi các khiếu nại, tố cáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi nhận, xem xét, giải quyết kịp thời và thỏa đáng thì những công dân đi khiếu nại, tố cáo và thậm chí cả những người sống xung quanh họ sẽ cảm thấy Nhà nước đã tôn trọng, lắng nghe ý kiến, quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ và từ đó Nhà nước sẽ gần gũi, gắn bó với Nhân dân, thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, ngược lại nếu các khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của công dân được đón nhận bằng một thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì cũng chính những công dân đó sẽ hình thành tâm trạng thiếu tin tưởng vào quá trình điều hành, quản lý của Nhà nước và có xu hướng xa lánh các cơ quan Nhà nước.

Thấm nhuần được tư tưởng trên của Bác, Chi ủy Chi bộ, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, công chức cơ quan nhận thức được tầm quan trong của công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và thực hiện tốt theo quy định. Đồng thời, bố trí cán bộ, công chức trực tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan trong giờ hành chính và tham gia tiếp công dân định kỳ hàng tháng tại Trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh. Quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp công chức làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, là những người có bản lĩnh, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng giải thích, thuyết phục cho công dân rõ về các quy định của pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ theo quy định; đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật thì vận động, thuyết phục để công dân chấp hành việc giải quyết của cơ quan chức năng. Qua công tác tiếp công dân, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận đơn, nghiên cứu kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, theo dõi đôn đốc việc giải quyết và thông báo kết quả cho công dân biết; đối với các vụ việc phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài hoặc đã được giải quyết nhưng chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì đề xuất Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết.

Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh còn thực hiện tốt công tác tiếp công dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND, kịp thời tiếp thu các ý kiến kiến nghị của công dân chuyển đến các ngành giải quyết và thông báo kết quả giải quyết lại cho công dân.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức và người lao động cơ quan có thái độ ân cần, tận tình hướng dẫn khi công dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác; nâng cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ

3/- Kết quả thực hiện mô hình

Thực hiện mô hình "tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân" cùng với việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; từng cán bộ, công chức đã thể hiện thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, hướng dẫn giải thích rõ ràng các quy định của pháp luật cho công dân hiểu để thực hiện đúng. Trong năm 2017, đã tiếp 140 lượt công dân; nhận 113 đơn, kịp thời nghiên cứu chuyển 73 đơn cho các ngành chức năng xem xét giải quyết; hướng dẫn 04 đơn, trả lời trực tiếp 13 đơn, 23 đơn không chuyển (do trùng lắp, lưu theo dõi); soạn 36 công văn đến ngành chức năng đôn đốc giải quyết, trả lời đơn công dân; nhận 61 thông báo kết quả xử lý đơn của các ngành chức năng, chiếm 83,56% so với tổng số đơn chuyển (số đơn còn lại đang trong quá trình giải quyết).
Bên cạnh đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát được 03 cuộc tại 03 đơn vị còn tồn động đơn nhiều, kết quả các kiến nghị của đoàn giám sát được thực hiện nghiêm túc, góp phần cùng đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân và giải quyết đơn.

Về tiếp công dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đã tổ chức được 03 đợt, với 152 cuộc ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố, với 13.166 lượt cử tri tham dự, có 1.855 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đóng góp; đã giải trình tại chỗ 1.501 ý kiến, tiếp thu và ghi nhận 354 ý kiến, kiến nghị chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết và giám sát, theo dõi kết quả giải quyết để báo cáo lại với các cử tri. Ngoài ra, 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện quy định dự sinh hoạt Chi bộ ấp, khóm đã gắn kết với việc tiếp xúc, gặp gỡ nhóm cử tri là đảng viên ấp, khóm.

4/- Kết quả tích cực sau khi thực hiện mô hình

Từ những kết quả đạt được của mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác hàng ngày, đồng thời tác động trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân. Thực hiện mô hình đã tạo được niềm tin của công dân đối với cơ quan dân cử là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của công dân; công dân đã thường xuyên liên hệ để nhờ tư vấn, giải thích các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của họ và đóng góp các ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó, đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tuyên truyền để công dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri, giữa chính quyền với Nhân dân và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

5/- Tính khả thi, nhân rộng của mô hình

Qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh. Tuy nhiên, ở cấp huyện đa số còn hạn chế như: Thường trực HĐND một số huyện, trong năm không có tiếp công dân và xử lý đơn;... Trong thời gian tới, cần được sự góp ý hoàn thiện mô hình của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, các Ban Đảng của Tỉnh ủy, Chi ủy Chi bộ sẽ đề xuất Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo nhân rộng mô hình đến hoạt động của Thường trực HĐND cấp huyện. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND các cấp góp phần xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động tinh gọn, có hiệu quả theo mục tiêu của Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Trà Vinh về thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: