• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững

Tạp chí cộng sảnTCCSĐT - Đó là chủ đề cuộc đối thoại giữa các đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiến trình Đại hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng, được trông đợi của không chỉ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, mà còn của cả Chính phủ cũng như Đảng, Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với đại biểu
tham gia Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ảnh: TTXVN

Tham dự cuộc đối thoại, có 947 đại biểu tham dự Đại hội, các vị khách quý cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số thành viên Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội...

Mở đầu cuộc đối thoại, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những thành tích mà giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2013 - 2018). Những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trên mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ. Thủ tướng đánh giá, công tác chuẩn bị Đại hội chu đáo, kỹ lưỡng, có nhiều đổi mới,... qua đó đã giải quyết được nhiều vướng mắc ở cơ sở, đóng góp vào nâng cao chất lượng nội dung các văn kiện cũng như sự thành công của Đại hội.

Về chủ đề đối thoại với Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây sẽ là hoạt động quan trọng của Chính phủ cũng như của tổ chức công đoàn Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ tiếp theo, khi Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo, khi tổ chức công đoàn Việt Nam đang có những đổi mới toàn diện trong cả nhận thức và hành động để đáp ứng những đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc đáp ứng những nội dung của các hiệp định đa phương có tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội đất nước nói chung, với vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn Việt Nam nói riêng.

Với tiêu chí: Dân chủ, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề để đề xuất các giải pháp, nêu lên các sáng kiến với Chính phủ nhằm cùng thống nhất nhận thức về những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, từ đó cùng chung tay, góp sức để đưa nền kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên một số nội dung đề nghị Đại hội cùng tham gia trao đổi, đề xuất kiến nghị, giải pháp. Những nội dung đó là: 1- Đánh giá của Công đoàn Việt Nam về thời cơ, thách thức với nước ta trong thời gian 5 năm đến 10 năm tới. Ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển của đất nước; 2- Nhận xét , đánh giá của Đại hội với công tác điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay; đề xuất những giải pháp để nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ; 3- Nhận xét về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay? Những giải pháp để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế đất nước; 4- Việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện nay có điều gì cần chú trọng? Đâu là nội dung cần quan tâm đột phá?; 5- Việc đổi mới và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay có điều gì cần chú trọng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế?; 6- Những đóng góp của Công đoàn Việt Nam vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các nội dung: Tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động; Phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, lao động; Tham gia cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đoàn viên; Chương trình hành động thời gian tới để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Với cương vị của mình trong lĩnh vực công tác hằng ngày, mỗi đại biểu đã đóng góp ý kiến cá nhân rất phong phú, với cách tiếp cận đa dạng, qua đó đã đưa đến cho mỗi người tham dự tọa đàm một thu nhận về những vấn đề chung, từ đó đi đến có cái nhìn thống nhất làm nền tảng cho suy nghĩ và hành động sau này.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tham gia ý kiến về những nội dung đối thoại trên cương vị của mình. Ý kiến của các đồng chí đã làm phong phú, toàn diện và sâu sắc hơn về các nội dung trên.

Kết luận cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự thành công của đối thoại; khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam. Đồng chí khẳng định, sự phối hợp thường xuyên, khăng khít giữa Chính phủ và tổ chức công đoàn Việt Nam, sự nỗ lực của mỗi người lao động, tinh thần hợp tác, kỷ luật lao động trong doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực là điều kiện quan trọng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, là điều kiện để mỗi doanh nghiệp, tổ chức công đoàn Việt Nam cũng như Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Thực hiện chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, tổ chức công đoàn và hệ thống chính trị các cấp, bảo vệ và giữ gìn các giá trị tốt đẹp của chế độ chính trị đất nước, giữ vững lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ. Với tinh thần đó, Thủ tướng chúc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp, góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Hoàng Việt

Nguồn Tạp chí Công sản Điện tử
(Đức Thuận, sưu tầm)

TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH TRÀ VINH

footernew2

Switch mode views: