Xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh

1. Nha bao tang Van hoa dan toc Khmer Tra Vinh trong quan the De an Lang Van hoa Du lich Khmer tinh Tra Vinh

Nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh trong quần thể Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh

Ngày 07 tháng 8 năm 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ký phê duyệt Đề án Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh.

Quan điểm của Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh là nhằm để bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ, một nét đặc trưng phát triển văn hóa tỉnh Trà Vinh; phát triển du lịch, tạo đòn bẫy cho phát triển du lịch Trà Vinh có nét đặc trưng, tạo liên kết vùng và thu hút khách du lịch; giải quyết việc làm, nhất là cho người dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ và các dự án khởi nghiệp mới; tạo sản phẩm và các dịch vụ mới để phát triển đặc sản, ẩm thực, làng nghề, các lễ hội, văn hóa, du lịch, liên kết các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục; tạo khả năng kết nối các nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế địa phương.

Mục tiêu Đề án Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh sẽ trở thành điểm văn hóa du lịch cấp Quốc gia tạo thành điểm nhấn du lịch cho tỉnh; bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer tỉnh theo hướng phát triển bền vững; tạo ra giá trị kết nối, giao lưu văn hóa, thúc đẩy thương mại, đầu tư, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; đóng góp ít nhất 05% tỷ trọng tăng trưởng trong ngành du lịch của tỉnh giai đoạn 2019-2025, thu hút bình quân 72.000 khách du lịch mỗi năm, trong đó có ít nhất 3.600 khách quốc tế và doanh thu 25 tỷ đồng hàng năm.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 25,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (08 tỷ đồng) và xã hội hóa (khoảng 17,9 tỷ đồng), thời gian thực hiện Đề án năm 2018-2020 và thời gian thực hiện dự án là 20 năm.

Vị trí Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh được xây dựng tại phường 8, thành phố Trà Vinh và xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, có tổng thể mặt bằng được quy hoạch thành 05 phân khu chính: Ao Bà Om; Chùa Âng; Nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường Trung cấp Pali; Làng Văn hóa dân tộc Khmer, Chùa Lò Gạch, Di tích Óc Eo.

Các phân khu chính được chia thành các phân khu chức năng để phục vụ du khách gồm một số điểm nổi bật như sau:

Bãi đậu xe: Quy mô 15.000 mét vuông.

Chợ đêm: Tổ chức các hoạt động thương mại để thu hút khách du lịch, đa dạng hóa các mặt hàng ẩm thực và bán lẻ; khu gian hàng bán các đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm mang đậm nét văn hóa Khmer Trà Vinh; các dịch vụ cà phê, thông tin du lịch…

Khu vực Ao Bà Om: Tổ chức khu ẩm thực nhằm quảng bá các món đặc sắc trong văn hóa Khmer; tổ chức các hoạt động liên quan đến nghệ thuật điêu khắc, vẽ tranh; các hoạt động dã ngoại; khu sân trống để tổ chức các hoạt động cộng đồng, thể thao, khiêu vũ, thi đấu trò chơi dân gian, biểu diễn văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Khmer…

Chùa Âng: Tìm hiểu, tham quan Di tích Chùa Âng và các hoạt động tâm linh.

Nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer: Tìm hiểu về văn hóa Khmer, biểu diễn văn nghệ cộng đồng, giới thiệu các sản phẩm quà tặng, lưu niệm và là nơi cung cấp thông tin du lịch…

Trường Trung cấp Pali: Giới thiệu thư viện sách, đào tạo giáo lý Phật giáo, tổ chức các lớp Yoga – Thiền, tổ chức các khóa tu cho thanh niên và các chương trình giao lưu thiện nguyện với sinh viên nước ngoài.

Làng Văn hóa Khmer, Di tích Óc Eo, Chùa Lò Gạch: Tổ chức các lễ hội, làng nghề, kết nối cộng đồng, sống với người dân; tập trung làm truyền thông giới thiệu điểm đến với khách nước ngoài; con đường bích họa với những hình ảnh gắn liền với văn hóa Khmer; tổ chức các khóa Thiền, tham quan Di tích Óc Eo và dịch vụ “homstay” tại Chùa...

Những ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi: Phục vụ dịch vụ “homstay” lưu trú dài ngày với dịch vụ ẩm thực và triển lãm nghệ thuật.

Phê duyệt Đề án Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer.

Tin, ảnh: Trương Minh Hiếu

Mới nhất

Cũ hơn