Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh: Tổ chức Hội thi “Nét đẹp Phụ nữ Việt” năm 2019 thành công tốt đẹp

Ngày 07/3/2019 Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh Trà Vinh đã tổ chức khai mạc và bế mạc Hội thi "Nét đẹp Phụ nữ Việt" lần thứ I, năm 2019; đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2019) và 1979 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2019).

1d

Đ/c Trần Bình Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
trao giải Nhất cho đội Công đoàn Viên chức tỉnh

Theo bà Trần Thị Bích Phượng, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết, sau gần 02 tháng phát động, có 13 đội đăng ký tham gia: 08 đội thuộc HLHPN thành phố, huyện (TP Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Càng Long), 03 đội thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh (Công đoàn Viên chức, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn cơ sở Trường Đại học Trà Vinh), 02 đội thuộc lực lượng vũ trang tỉnh (Công an và Bộ đội Biên phòng). Theo thể lệ hội thi quy định bắt buộc mỗi đội phải có 05 thí sinh nữ, thi chính trong phần thi trang phục và thi ứng xử (phần thi trang phục gồm: Trình diễn trang phục truyền thống, trang phục công sở, trang phục tự chọn; phần thi ứng xử: Mỗi đội bốc thăm trả lời 01 trong 15 câu hỏi có nội dung liên quan đến phẩm chất, đạo đức, nét đẹp của người phụ nữ, quan điểm về đời sống gia đình, vẻ đẹp của phụ nữ, bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay...); các đội dự thi đều có sự nghiên cứu, đầu tư từ khâu biên đạo, đạo diễn, tập luyện và thi diễn, góp phần cho hội thi thành công tốt đẹp.

Thay mặt Ban Giám khảo, ông Trần Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Trà Vinh - Trưởng Ban Giám khảo hội thi, đã phát biểu nhận xét, trao đổi về phần thi của các đội và thí sinh về những mặt tích cực cần phát huy và những hạn chế phải rút kinh nghiệm, để lần thi sau được hoàn hảo hơn:

Thứ nhất, Ban Giám khảo thật sự ấn tượng và cảm nhận các thí sinh đã thể hiện được vẽ đẹp của mình, sự tinh tế, nét duyên dáng, trang nhã qua các bộ trang phục dự thi và rất nhiệt huyết, có kiến thức về đạo đức và có bí quyết để xây dựng và trở thành người phụ nữ thành công, hiện đại. Các đội đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từng nội dung thi như: Chọn, may từng bộ trang phục phù hợp vóc dáng thí sinh; luyện tập, dàn dựng, nên phong cách biểu diễn ấn tượng, có sự kết hợp âm nhạc nền hấp dẫn người xem, có một số đơn vị đã tổ chức tập luyện, thi thử để chọn thí sinh tốt nhất tham gia hội thi.

Thứ hai về phần thi trang phục: Bằng sự tự tin, duyên dáng của mình, các thí sinh đã khiến những bộ trang phục dù là trang phục truyền thống, trang phục công sở hay trang phục tự do, cũng đều tỏa sáng trên sân khấu, mang lại nhiều cảm xúc ấn tượng cho người xem. Đặc biệt, các đội rất quan tâm trong việc phối màu cho trang phục dự thi: Với cách phối màu đơn sắc, đã tạo cho thí sinh có những bộ trang phục tươi tắn; với phối màu trung tín đã giúp bộ trang phục thí sinh trở nên tinh tế và thanh lịch hoặc với cách phối màu tương phản độc đáo, nổi bật, rất phù hợp với thí sinh năng động; một số đội có sự sáng tạo trong cách chọn trang phục, hiện đại nhưng phù hợp với văn hóa và thẩm mỹ của người Việt Nam.

Phong cách trình diễn: Nhiều thí sinh với trang phục đẹp, phong phú, trang phục: Kinh, Khmer, Hoa, Dạ hội..., kết hợp phong cách trình diễn ăn ý đã hấp dẫn người xem, thể hiện được vẻ đẹp, sự tinh tế, nét duyên dáng trang nhã. Hầu hết các thí sinh thể hiện phong cách tự tin; tạo dáng đẹp (trình diễn có điểm dừng thích hợp), thể hiện được nét đẹp của trang phục dự thi. Hầu hết các đội thi diễn có sự tập trung, tính đồng đội cao, đồng đều trong tạo dáng; các bạn Nam hỗ trợ rất tốt cho các thí sinh Nữ, có tính đồng đội cao; nhiều đơn vị rất quan tâm nên chọn nhạc nền phù hợp, và dàn dựng cho thí sinh thể hiện tốt trên nền nhạc, kết hợp với màn hình chiếu minh họa hỗ trợ biểu diễn, làm cho tiết mục dự thi tăng thêm phần hấp dẫn.

Mô tả trang phục dự thi: Dẫn chương trình (MC) nhiều đơn vị có chất giọng đọc lôi cuốn, mô tả được bộ trang phục dự thi với ý đồ thể hiện các đường nét, chi tiết trên trang phục, có ý nghĩa và tôn vinh được vóc dáng người mặc và nhất là nêu bật giá trị văn hóa của bộ trang phục dự thi.

Thứ ba về phần thi ứng xử (trả lời câu hỏi): Các thí sinh tham dự Hội thi không chỉ đẹp về hình thức mà còn rất thông minh, khéo léo trong trả lời các câu hỏi kiến thức và xử lý tình huống. Các thí sinh đã thể hiện có kiến thức sâu sắc về đạo đức người phụ nữ Việt Nam và đã "bật mí" nhiều bí quyết để trở thành người phụ nữ thành công, hiện đại.

Tuy nhiên, các đội và thí sinh cũng cần phải lưu ý về những hạn chế cần rút kinh nghiệm trong các hội thi sau, cụ thể về Trang phục: Có một số bộ chưa thật sự tôn vinh được vóc dáng của thí sinh; hoặc cách phối tông, màu trang phục dự thi chưa thật sự phù hợp, logic; một số bộ có thiết kế mới lạ, nhưng vẫn chưa thật nổi bật, chưa phù hợp tính chất dự thi, đặc biệt trang phục dân tộc chưa phù hợp vóc dáng thí sinh. Về phong cách trình diễn: Một số thí sinh với bộ trang phục đẹp, nhưng khi trình diễn thì sự thể hiện trên gương mặt kém vui, chưa tập trung; một số thí sinh phong cách trình diễn thiếu tự tin và chưa thật sự chú ý việc tạo dáng khi biểu diễn trang phục, thể hiện động tác thiếu điểm dừng phù hợp, hoặc đi và dừng sát cánh gà sân khấu, nên chưa thể hiện trọn vẹn được nét đẹp của trang phục dự thi.

12

Nhà tài trợ - Ông La Quan Lợi, Giám đốc chi nhánh PNJ
và Á hậu 1 - Lê Kiều Nhung, trao giải Tỏa sáng cho thí sinh Huỳnh Thị Cẩm Tiên

Đội hình của một số đội thiếu tập trung, chưa đồng đều trong tạo dáng đứng; một số đội có bạn Nam trợ diễn nhưng phối hợp chưa nhịp nhàng, thiếu tính đồng đội, bên cạnh thì lại có cặp đôi bạn Nam trợ diễn lại nổi bật hơn thí sinh Nữ. Thí sinh của một số đội chưa thật sự chú ý đến nhạc nền, nên đi chưa trùng khớp với tiết tấu của nhạc nền (bước đi quá nhanh, hoặc chậm so với nhạc nền); do đó điểm thi còn chênh lệch nhiều ở phong cách biểu diễn. Một số đội sử dụng màn hình trình chiếu hình ảnh minh họa chưa phù hợp với nội dung các phần thi trang phục (áo bà ba, trang phục Khmer, áo dài, áo cưới Khmer...,); một số đội còn lạm dụng và sai ảnh, phản cảm nhất là phần diễn áo dạ hội. Thuyết minh (MC) của nhiều đội chưa mô tả được trang phục dự thi về chất liệu, màu sắc, ý nghĩa, hoặc lý do chọn trang phục hoặc ý đồ thể hiện các đường nét, chi tiết trên trang phục. v.v...; nội dung còn đơn giản, chưa nêu bật giá trị văn hóa của trang phục dự thi. Một số giọng đọc thuyết minh còn đều đều, thiếu điểm nhấn, chưa rõ lời hoặc đọc nhanh. Có đội cường điệu trong giới thiệu về thí sinh, như (tên người mẫu, các vòng đo cơ thể, cân nặng, chiều cao hoặc thí sinh cao khoảng 1,6m lại giới thiệu nâng chiều cao lên 1,72m hoặc 1,75m ...). Về phần thi ứng xử (trả lời câu hỏi): Đây là phần quan trọng quyết định thang điểm, thứ hạng của đội dự thi. Nhưng rất đáng tiếc có một số đội phong cách trả lời thiếu tự tin; nội dung trả lời chưa thật sự lôi cuốn hoặc câu trả lời quá ngắn, chưa phù hợp, chưa đi vào trọng tâm chủ đề của câu hỏi dẫn đến kết quả chưa thật sự trọn vẹn.

Kết quả, Ban Tổ chức Hội thi đã trao 15 giải thưởng trong đó có: 01 Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích, 09 giải phong trào, 01 giải thí sinh Tỏa sáng, 02 giải phụ (01 giải cho Đội có cổ động viên nhiệt tình, fair, play, lịch sự nhất và 01 giải cho Đội được yêu thích nhất với số lượt bình chọn trên fanpage cao nhất). Đội Công đoàn Viên chức tỉnh Trà Vinh đạt giải Nhất; giải thí sinh Tỏa thuộc về Huỳnh Thị Cẩm Tiên - Đội trường Đại học Trà Vinh.

Hùng Cường

Mới nhất

Cũ hơn